Friday, July 31, 2020

THỰC TẠI VÀ SO SÁNH

Nhận biết thực tại đang xảy ra có nghĩa là khám phá trong từng khoảnh khắc toàn bộ mọi trải nghiệm. Ngoài cái đó ra không còn gì khác, không có cả kinh nghiệm về người đang trải nghiệm.

Kể cả khoảnh khắc người ta cảm nhận về bản thân một cách rõ ràng nhất thì cũng là một cảm giác cụ thể nào đó, chẳng hạn như cảm thấy sức căng của cơ bắp, về độ ấm hay lạnh của cơ thể, về cái đau hay tâm trạng bứt rứt, về hơi thở gấp gáp hay khoan thai. Có nghĩa là cảm nhận đối với thực tại luôn gắn liền với cảm giác trực tiếp liên quan tới thân và tâm.

Biết một cách rõ ràng về cảm giác, khi xúc chạm chẳng hạn, là đang có sự nhận biết trực tiếp và khách quan nhất, không thông qua bất kỳ hoạt động suy tư nào. Chạm hai tay vào nhau, đó là cái biết trực tiếp về cảm giác: độ ấm hay lạnh, thô hay mịn, cứng hay mềm, khô hay ướt, cảm giác dễ chịu hay cảm giác không thoải mái. Ngoài ra, không thể nào nhận biết trực tiếp đối với cái gọi là xúc chạm. Sự xúc chạm vật lý chỉ có thể nhận biết một cách gián tiếp qua hoạt động của suy nghĩ. Chỉ có những gì được nhận biết trực tiếp mới là thực tại, tức là những gì thực có đang diễn ra.

Khi có cảm xúc vui mừng, với quan sát trực tiếp người ta sẽ không đặt tên cho nó, không có thốt ra lời: “Sao vui quá trời!”. Thốt ra lời thì đó chỉ thuần túy là thói quen của việc so sánh. Người ta đã ngầm so sánh trạng thái vui vẻ của hiện tại với các trạng thái khác trước đây. Quan sát thực tại thì không thể có so sánh vui vẻ hay buồn bã. Như vậy, khi có so sánh thì không còn nhận biết thực tại, tâm thức lúc đó bị hoán chuyển qua lại rất nhanh giữa hai cảm xúc của hiện tại và quá khứ.

Ngôn từ, hồi tưởng hay ký ức không thể thay thế cho khả năng nhận biết thực tại. Cái biết qua việc nhớ lại là cái biết thứ cấp và gián tiếp. Việc nhớ lại kinh nghiệm đã qua thường có tính xơ cứng và bị chốt chặt, trong khi cái biết trực tiếp thì luôn có tính tươi mới và tức thì. Cả hai cái biết này đều có thể được sử dụng nhưng tạo ra các kết quả khác nhau. Hiểu theo cách đơn giản thì thực đơn của nhà hàng là rất cần thiết nhưng không thể thay thế cho bữa ăn. Chỉ khi nào quan sát thực tại trực tiếp thì mới có thể như người ta hay nói: “Quan sát như nó là” hay còn được gọi là sống với hiện tại ở cấp độ cao nhất, còn quan sát với việc so sánh là đang liên kết hiện tượng xảy ra với những gì đã biết trong quá khứ.

Tuesday, July 28, 2020

LÀ VẬY TỨC LÀ VẬY

Câu hỏi thường hay bắt gặp là: “Phải làm gì để giải quyết vấn đề?” cho thấy người đặt câu hỏi thực ra vẫn chưa hiểu rõ vấn đề. Nếu một vấn đề nào đó có khả năng được giải quyết thì việc hiểu vấn đề và việc biết cách giải quyết vấn đề là giống nhau. Mặt khác, nếu giải quyết vấn đề mà người ta không hiểu rõ về nó thì cũng giống như xua tan bóng đêm hay đám bèo bằng cách lấy đôi tay gạt chúng ra xa. Càng cố gạt ra, chúng càng tụ lại. Người ta có biết đâu chỉ cần ánh sáng xuất hiện thì bóng đêm tự biến mất mà chẳng cần phải cố gắng để gạt bỏ.

Ánh sáng nói tới ở đây chính là chánh niệm, tức là việc biết một cách rõ ràng về cuộc sống cũng như bất kỳ trải nghiệm nào của thân tâm theo đúng bản chất của hiện tượng mà không đưa thêm vào những đánh giá hay ý niệm của cá nhân. Bất cứ giải thích hay diễn giải nào cũng vẫn chỉ là ý niệm dù người ta có thể cho rằng nó là hợp tình, hợp lý hay là cái gì hay ho được gán cho nó.

Khi thực sự có chánh niệm, nghĩa là có sự tỉnh thức và nhận biết trọn vẹn, tự nó sẽ loại bỏ những gì là sai lạc và làm hiển lộ chân lý hay sự thật đúng với bản chất của hiện tượng. Trong trường hợp này, vế đầu sẽ đóng vai trò quan trọng và là tiền đề dẫn đến hệ quả của vế thứ hai. Còn nếu tập trung phân tích vế thứ hai thì cũng chỉ mang tính ngôn từ diễn giải, khó có được sự hiểu biết trực tiếp.

Bất cứ những gì đang có như của cải, tài sản, ngân khoản, gia đình êm đẹp ..., người ta hay coi đó như sự đảm bảo cho hiện tại và tương lai. Luôn có khoảng cách mang tính mâu thuẫn giữa sự mong muốn và bản chất của sự đổi thay. Vì bản chất của cuộc sống này là mọi thứ đều đổi thay, khi quá mong cầu sự đảm bảo về khía cạnh đời sống hay tâm linh thì một cách hiển nhiên là người ta đang tách rời khỏi bản chất của cuộc sống. Cùng với việc tìm kiếm sự đảm bảo cũng có nghĩa là ý niệm về “cái tôi” ngày càng được củng cố. Một khi cái tôi càng được củng cố thì sự sợ hãi tiềm ẩn sẽ càng lớn, vì đây là một cặp tỷ lệ thuận.

Sự hiểu biết phát sinh khi có năng lực quan sát trọn vẹn - đơn giản và trực tiếp, đối với trải nghiệm hay những gì đang xảy ra. Người ta có thể coi những trải nghiệm này là sự tiếp xúc lần đầu, đó có thể là bất kỳ cảm xúc, suy nghĩ hay trạng thái tâm đang có ở hiện tại. Cái gì được biết chỉ xảy ra ngay trong khoảnh khắc của hiện tại, những gì được hồi tưởng hay nhớ lại kinh nghiệm xảy ra trước đây không đem lại nhiều giá trị hiểu biết.

Có thể nói rằng kinh nghiệm xảy ra trong từng khoảnh khắc và hiện tại tuy là ngôn từ khác nhau nhưng có cùng ý nghĩa. Người ta chỉ có thể sống ngay với hiện tại khi quan sát trọn vẹn được những gì xảy ra trong từng khoảnh khắc. Như vậy, khi quan sát hiện tượng đang xảy ra, liệu rằng có thể quan sát thấy có “ai đó” đang quan sát? Thực sự đây là hai đối tượng gây ra rất nhiều lẫn lộn và ngộ nhận, nếu nhận biết cái này thì người ta không nhận biết cái kia và ngược lại. Thông thường, cũng vì một sự đảm bảo đã hằn sâu trong tâm thức, người ta luôn cần phải được cảm thấy rằng “mình đang tồn tại và quan sát”.

Tuesday, July 21, 2020

TỰ DO TÂM THỨC

Tự do là một phạm trù mà hầu hết mọi người đều rất thích thú khi được nói tới hay được thể hiện - tự do hành động, tự do ý chí hay bất kỳ giá trị nào được gắn với thuật ngữ này. Xét về mặt thực chất, mọi hành động, lời nói hay suy nghĩ dẫn đến sự bất ổn cả bên trong và bên ngoài thì không thể đem lại bất kỳ sự tự do nào. Sự bất ổn này cũng có nghĩa là những xáo trộn, ràng buộc và sự an nguy về mặt thể chất và tinh thần cho bản thân cũng như cho mọi người xung quanh.

Về cơ bản, người ta chia ra làm hai loại tự do: tự do thoát khỏi một cái gì đó và tự do đạt được cái gì đó. Nếu đang có sự ràng buộc và người ta thoát khỏi các ràng buộc, chi phối bấy lâu nay thì đó là sự tự do. Mặt khác, khi mong mỏi, tầm cầu điều gì đó và người ta có được khả năng về điều kiện và nguồn lực để thực thi ý chí của mình thì đó cũng là một loại tự do để có thể định đoạt theo ý chí. Mặc dù, với việc phân chia này thường được mặc định rằng sự tự do thứ hai mang tính tích cực hơn so với cái đầu. Tuy nhiên, việc phân chia và mặc định đều do con người tạo ra nên nó chỉ là tương đối, tuỳ theo từng góc nhìn.

Trên thực tế, những cái người ta tìm kiếm hầu như là tự do đến từ bên ngoài - đó là tự do đi từ chỗ này đến chỗ kia, tự do làm điều mình thích, tự do tầm cầu, tìm kiếm và lựa chọn. Những tự do này đều có tính hữu hạn và tiềm ẩn xung đột cả về lợi ích cũng như sự hoà hợp tự nhiên.

Tự do bên trong là phạm trù hoàn toàn khác biệt, nó vượt ra ngoài mọi ràng buộc và ước lệ về mặt tâm thức. Tự do bên trong hay còn gọi là tự do tâm thức chỉ có được khi không còn nắm giữ bất kỳ ý niệm nào do tâm tạo. Tự do bên trong là một năng lực tự nhiên và đi cùng với điều đó thì khái niệm tự do cá nhân - một thuộc tính mang tính gắn kết hay tách rời của xã hội, cũng không còn cần thiết được xét đến. Vì xét theo thực tại, tự do chỉ đơn giản là tự do, không phải là tự do của người này hay người khác.

Như vậy, tự do thực sự mang tính vượt thoát và chỉ có được khi đối diện trong mọi hoàn cảnh, dù là thuận lợi hay nghịch cảnh, tâm thức không còn bất kỳ các phản ứng hay đối đãi. Nó hoàn toàn thoát ra khỏi mọi ý niệm về thời gian, nơi chốn, con người và cũng không còn cả ý niệm cố gắng được tự do theo cách này hay cách khác.

Saturday, July 18, 2020

TÔI ĐANG ĐỌC

Khi đang đọc một cuốn sách hoặc đọc những dòng này, nếu hoàn toàn để ý vào nội dung người ta sẽ không thấy có người đọc ở đó. Và rồi ta chợt nhận ra người đọc khi có sự ngưng lại trong giây lát và chuyển đổi từ việc đọc sang việc quan sát.

Sự hoán chuyển một cách mượt mà và liên tục nhưng không tạo ra bất kỳ độ trễ nào khiến ta cảm giác rằng đang có người đọc hiện diện. Cảm giác này xuất phát từ nhận thức suy nghĩ: “tôi đang đọc”.

Như vậy, việc đọc và việc nhận thức suy nghĩ “tôi đang đọc” không xảy ra đồng thời. Nhưng do sự chuyển đổi liên tục và độ trễ rất nhỏ, người ta không ghi nhận được và luôn có cảm giác rằng “tôi đang đọc”.

Cảm giác này xuất hiện khá liên tục để người ta nhận thấy có sự an ổn ở môi trường xung quanh. Trên thực tế, tâm thức chỉ có thể vận hành khi nó cảm thấy có sự an ổn, vì cảm giác bất an sẽ tạo nên xáo động làm tâm thức bị chi phối, thậm chí tê liệt. Cảm giác xác nhận về sự hiện diện của cái tôi là một dạng xác nhận về sự đảm bảo an ổn của tâm thức - nó chính là sự đeo bám, ăn sâu và kéo dài của cái tôi ở tầng mức vi tế.

Thursday, July 16, 2020

PHÂN MẢNH VÀ ĐỒNG HOÁ

Bất kỳ khi nào có nắm giữ, tâm sẽ ở trạng thái phân mảnh, không còn tính toàn bộ. Tương ứng với mức độ nắm giữ sẽ có nhiều mảnh ghép tạo thành các lớp tâm thức trên bình diện ý thức. Mỗi mảnh ghép tâm thức sẽ tự củng cố chính nó thông qua hoạt động phân tích, so sánh và đồng hoá.

Với mỗi chia chẻ, nắm giữ sẽ có các nút thắt tâm thức và qua thời gian các nút thắt tâm thức biểu hiện trên thân thể tạo thành các dấu ấn, có thể là tính cách hay bệnh tật của cả thân và tâm.

Ở trạng thái phân mảnh, luôn có cảm giác dường như “ai đó” đang quan sát một đối tượng hay tiến trình nào đó. Bất cứ khi nào có cảm giác như vậy cũng có nghĩa là tâm thức đang bị phân mảnh. Chỉ đơn giản là vậy, không cần phải cố gắng thiết lập sự toàn bộ nào cả.

Khi ngồi nhìn ngắm dòng sông đang trôi chảy, người ta sẽ quan sát một cách phân mảnh hay toàn bộ?

Với sự toàn bộ, sẽ không còn ngay cả sự thì thào: “Dòng sông êm đềm quá! Ngồi bên bờ sông, trạng thái thật bình an và thư giãn.” Khi toàn bộ, sẽ không có ai đang quan sát hay chiêm nghiệm đánh giá tiến trình đang xảy ra - sẽ không còn cả người quan sát và dòng sông.

Nếu không thấy được sự phân mảnh thì liệu trạng thái tâm bị chia chẻ, phân mảnh có thể thấy được sự toàn bộ hay không? Các câu hỏi nảy sinh nhiều nhất khi tâm đang ở trạng thái phân mảnh. Với sự phân mảnh, nó đồng nghĩa với phân tích, so sánh, đặt tên, đối chiếu, đồng hoá. Vẫn là một vở kịch nhưng được diễn sâu hơn.

THỰC TẠI VÀ SO SÁNH Nhận biết thực tại đang xảy ra có nghĩa là khám phá trong từng khoảnh khắc toàn bộ mọi trải nghiệm. Ngoài cái đó ra kh...