Saturday, June 13, 2020

QUEN THUỘC NHƯ THÓI QUEN

Cái gì trở nên quen thuộc sẽ trở thành nghiễm nhiên, nghĩa là nó diễn ra mà không được nhận biết hoặc nó được coi như một phần tất yếu. Trong cuộc sống, người ta có xu hướng làm cho mọi thứ trở nên quen thuộc và thuận tiện. Hành vi tạo tác này còn được biết đến với tên gọi là thói quen - là những gì được lặp đi lặp lại đến mức thuần thục và tạo nên cảm giác an toàn, thoải mái.

Thói quen dù tốt hay không tốt thì thói quen vẫn là thói quen, một sự máy móc, rập khuôn nhưng vắng bóng việc nhận biết rõ ràng. Nếu có sự nhận biết rõ ràng thì hoạt động đó còn là thói quen. Nhiều khi được hỏi lý do tại sao thức dậy sớm, người ta nói là do thói quen, nhưng có thể thức dậy cùng một giờ với sự nhận biết rõ ràng mà không tạo thành thói quen. Hay có nhiều người cứ ngồi xuống là rung chân, đây là thói quen tạo cảm giác dễ chịu hoặc có tính trấn an. Nhưng khi nhận biết rõ ràng mà không đánh giá hay phán xét thì việc rung chân sẽ dừng lại.

Ngay cả khi có ý tưởng cho cái gì đó là tốt nhất, người ta sẽ hình thành thói quen lựa chọn, chẳng hạn như thói quen lựa chọn thực phẩm hữu cơ, được cho là có lợi cho sức khoẻ. Và với việc lựa chọn như vậy, theo một số nghiên cứu khoa học, sẽ có thể tạo nên sự khắt khe, thiếu đi lòng vị tha và gây áp đặt chủ quan cho người khác.

Có nhiều thứ rất quen thuộc, chẳng hạn như hơi thở nên hầu hết cũng chẳng ai nhận ra nó. Chỉ khi rơi vào hoàn cảnh cụ thể, thiếu vắng đi sự quen thuộc, người ta mới chợt nhận ra hơi thở thật thiết yếu và quan trọng đến chừng nào. Hơi thở có thể được coi như hàn thử biểu cho khả năng sinh tồn cũng như những thay đổi về mặt cảm xúc một cách chính xác. Khi có sự xúc động, bối rối, hơi thở trở nên ngắn và gấp gáp, âm thanh phát ra có thể lớn đến mức không quá khó khăn để người bên cạnh nhận ra. Trong trạng thái sâu lắng và tĩnh lặng, hơi thở nhỏ dần, dài hơn và nhiều khi chỉ được nhận ra thông qua cảm giác. Giữa hơi thở và trạng thái cảm xúc luôn là sự tương ứng có quan hệ mật thiết với nhau và mang tính đồng thuận.

Có những thói quen khi trở nên quen thuộc sẽ tạo thành sự lệ thuộc, một thứ không thể thiếu, không thể thay thế. Vì lý do nào đó khi thói quen bị đột ngột phá vỡ, tâm sẽ phản ứng vì bị đẩy ra khỏi trạng thái thoải mái dễ chịu. Nhận biết, quan sát một cách trọn vẹn sẽ không để lại các dư tàn và các thói quen sẽ đi đến sự chấm dứt.

Friday, June 12, 2020

HƠN NỮA

Khi thấy và hiểu rõ tiến trình tâm, người ta sẽ không đòi hỏi sự hơn nữa, dù là hơn nữa với bất kỳ cái gì. “Hơn nữa” được hiểu là sự duy trì và kéo dài đối với cái gì đó - thích thú hơn, hạnh phúc hơn, sâu sắc hơn, hiểu biết hơn, chánh niệm hơn. Mong muốn để được “hơn nữa” làm sai lệch và phá hỏng cái đang có, cái đang xảy ra. “Hơn nữa” khởi sinh là do ý niệm về cái “tôi” để từ đó được sự thể hiện, được công nhận, được thỏa mãn, được đáp ứng.

Sự hơn nữa thậm chí còn được biểu hiện rất đơn sơ nhưng rõ ràng ngay cả trong ước muốn tưởng chừng nhỏ nhặt thường ngày. Muốn làm sao có loại hoa quả trái vụ mà người ta vốn thích thú, nghĩa là loại hoa quả này cần có quanh năm để đáp ứng cho nhu cầu thích thú nào đó. Và như vậy, sẽ có đủ cách được nghĩ ra để bảo quản loại hoa quả đó, có khi còn giữ được trong nhiều năm.

“Hơn nữa” không thể vượt qua năng lực của “vừa đủ”, đây không phải là năng lực của người thường mà là năng lực của những ai đã vượt qua. “Hơn nữa” sẽ tạo ra sự lệ thuộc, còn “vừa đủ” sẽ không có sự ràng buộc ở bất kỳ khía cạnh nào. Với năng lực của vừa đủ thì cái gì đó dù làm cho thích thú và siêu việt đến đâu cũng chỉ nên ở một mức độ nhất định. Và để biết được mức độ này là cả một nghệ thuật đòi hỏi có sự hiểu biết đối với bản chất của tâm thức. Tâm thức thì bao giờ cũng muốn hơn nữa, đây là cái bẫy ngay trong bước đi đầu tiên.

Thursday, June 11, 2020

TĨNH LẶNG

Buổi sáng sớm, khi mọi hoạt động vẫn còn dư vị của ngày hôm qua, trong trạng thái thư giãn và thả lòng, sự lắng nghe trở nên hiện diện mà không có bất kỳ định hướng hay tập trung nào. Lắng nghe tiếng chim hót, lắng nghe âm hưởng của gió, lắng nghe tiếng nói cười từ xa vọng tới, lắng nghe những suy nghĩ lúc thì rì rào lúc thì dồn dập. Do cảm giác thư giãn và toàn bộ, không còn tập trung hướng vào bất kỳ âm thanh nào, tâm thức trở nên hợp nhất, không còn nắm bắt một cách rời rạc và phân mảnh.

Trong những khoảnh khắc của sự hợp nhất, có sự tĩnh lặng. Không phải là tĩnh lặng do không có âm thanh, không gian xung quanh vẫn tràn đầy âm thanh và hương vị của nắng sớm. Im ắng bên ngoài mà vẫn còn âm ỉ, sôi sục bên trong thì không hẳn là sự im lặng, bình an - vẫn là hơi hướng của sự tầm cầu, tìm kiếm. Với tâm thức hợp nhất và toàn bộ, nơi đâu cũng đều tĩnh lặng, một sự dừng lại và nghỉ ngơi. Một tiến trình mà không có trung tâm.

Bất chợt, âm thanh của bản giao hưởng đâu đó vọng lại, cảm giác rất đỗi quen thuộc mang tính gợi nhớ. Những gì có tính gợi nhớ đều là hoài niệm của cái đã qua. Chút suy tưởng liên kết với hoài niệm có thể làm thay đổi nhanh chóng cảm xúc - hoặc là bồi hồi hoặc là chút phấn khích của sự mơ tưởng. Và cũng có thể âm thanh bản giao hưởng vẫn êm đềm, du dương nhưng với sự lắng nghe trong im lặng một cách toàn bộ, sự kết nối của thời gian quá khứ hay tương lai mờ nhạt dần. Một sự cảm nhận nhưng không còn kết nối với hoài niệm. Khoảnh khắc lặng im với cảnh quan rộng mở, thời gian không còn.
KẾT QUẢ LÀ TIẾN TRÌNH

Khi nghe một bản nhạc, người ta không hướng đến sự kết thúc như một kết quả. Nếu lấy sự kết thúc là thước đo thì ai chơi nhạc kết thúc nhanh nhất sẽ là người chơi hay nhất. Mọi cảm nhận, hòa hợp, thưởng thức và thăng hoa đều diễn ra khi bản nhạc đang được trình diễn. Tiến trình đang diễn ra chính là kết quả và đó cũng là những gì được nhận biết một cách khách quan và trung thực nhất.

Cách nhìn nhận trong mọi quan sát cũng vậy. Tiến trình quan sát tự nó là sự an lành, phúc lạc và rỗng rang mà không cần đòi hỏi, mong chờ bất kỳ kết quả nào từ việc quan sát đem lại. Trên thực tế, kết quả là hàm ý thuộc về tương lai, mà tương lai thì có tính bất định và chưa đến. Chỉ có những gì đang xảy ra, được nhận biết trọn vẹn, là nền tảng của sự hiểu biết. Những gì đi chệch khỏi thực tại đều là biểu hiện của việc tìm kiếm, phỏng đoán, suy diễn. Não bộ luôn cần một dạng phần thưởng kích thích do dopamine đem lại, dù cho cái giá phải trả là sự lệ thuộc. Chừng nào sự lệ thuộc còn tạo ra dopamine và cảm giác thích thú thì người ta vẫn thích lệ thuộc hơn là tự do. Tự do tâm thức là cái gì đó có vẻ xa vời và khó khăn.

Wednesday, June 10, 2020


CÁCH HIỂU ĐƠN GIẢN VỀ ĐỊNH

Định hiểu theo cách đơn giản là khả năng an trú ổn định trên một đối tượng, không bị các yếu tố ngoại lai khác chi phối. Nếu chỉ lựa chọn một đối tượng cụ thể và đối tượng này là khái niệm (khái niệm thì không có đặc tính thay đổi) để quan sát, như vậy có nghĩa là đang tiếp cận theo thiền định (samatha). Nếu không lựa chọn một đối tượng cụ thể và đối tượng có bản chất thực tại (có đặc tính vô thường, luôn luôn thay đổi) để quan sát, như vậy có nghĩa là đang tiếp cận theo thiền quán (vipassana). Dù tiếp cận theo cách nào thì các phẩm chất của Tinh tấn, Chánh niệm và Định đều được phát triển, để từ đó có thể thấy rõ đúng bản chất của sự vật hiện tượng (Tuệ). 

Đối với thiền định, năng lực Định mạnh mẽ là sự ưu tiên. Để có thể đạt được như vậy đòi hỏi cần nơi chốn yên tĩnh, thời gian ngồi thiền lâu dài cũng như bớt đi các hoạt động cuộc sống bên ngoài. Đối với thiền quán, năng lực Định phát triển đồng thời cùng với sự hiểu biết, tổ hợp Niệm-Định-Tuệ được vun bồi và bổ sung cho nhau. Không có yêu cầu bắt buộc để phát triển thiền quán - không yêu cầu về nơi chốn, không yêu cầu về thời gian, không yêu cầu phải liên tục ngồi thiền. Nghĩa là việc vun bồi và phát triển các năng lực tâm được diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoạt động, sinh hoạt thường ngày.

Định trong thiền quán được hiểu là sự ổn định và an ổn của tâm đối với sự tác động của bất kỳ đối tượng nào khi nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ. Nói cách khác, khi trạng thái tâm an ổn, không có phản ứng với việc nắm giữ hay chối bỏ, thích hay không thích, yêu hay ghét thì trạng thái tâm định được thiết thiết lập. Định ở đây được hiểu là sự an ổn của tâm, cũng có nghĩa là trạng thái tâm không còn phản ứng. Bất cứ khi nào tâm có phản ứng thì năng lực Định bị tác động, phản ứng quá mạnh mẽ theo một cách không thể kiểm soát thì năng lực Định hoàn toàn bị phá vỡ. 

Trong thiền quán, không bắt buộc phải duy trì quan sát một đối tượng cụ thể nào, đối tượng ở đây là không lựa chọn, tức là bất kỳ đối tượng nào nổi trội, rõ ràng đang xảy ra tại các giác quan đều có thể được ghi nhận, quan sát. Nhưng dù ghi nhận quan sát đối tượng nào - dù chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi - sự quan sát luôn phải là toàn bộ và trọn vẹn với đối tượng đó, không bị các yếu tố khác xen vào thì có nghĩa là Sát-na Định (khanika samadhi) có mặt. Với việc trọn vẹn, không xen vào thì không có bất kỳ sự nắm giữ, chồng chất, so sánh, đánh giá hay đồng hoá với thực tại hay đối tượng đang xảy ra. Bất cứ sự xen vào, chi phối của các yếu tố trên thì năng lực Sát-na Định không còn. Với năng lực quan sát trọn vẹn của tổ hợp Niệm-Định-Tuệ, mọi hiện tượng sẽ đi đến sự chấm dứt (nirodha) đúng theo bản chất vô thường mà không để lại dư tàn.

Người ta hay nói một cách dễ dãi về sự nguy hiểm của Định trong thiền định. Thực tế là không phải vậy, Định chẳng có gì là nguy hiểm. Cái nguy hiểm chính là sự dính mắc, nắm giữ vào năng lực Định, việc thích thú an trú trong các cảm thọ do Định đem lại. Những cái này là do sự không hiểu biết, không thông suốt nên mới có sự dính mắc. Không hiểu biết đi cùng với nhiệt tình thì nghiễm nhiên thành phá hoại. Và cũng do không hiểu biết, người ta đổ lỗi cho một nhân tố khác không liên quan.

Tuesday, June 9, 2020

HOÀN THIỆN

Theo nghĩa thông thường của cuộc sống, người ta luôn đề cập tới sự hoàn thiện bản thân. Để làm được điều đó, điều cần thiết là phải có sự phấn đấu, theo đuổi, rèn luyện và phát triển bản thân theo các tiêu chí, mục tiêu đặt ra. Qua thời gian, các tiêu chí có thể được thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và quan niệm sống. Có một điểm chung, quá trình này luôn đòi hỏi sự phấn đấu và theo đuổi.

Trong việc quan sát trọn vẹn, việc hoàn thiện bản thân không phải là vấn đề được đặt ra, đó không phải là  mục tiêu theo đuổi khi bản chất của cái gọi là bản thân chưa thực sự được biết rõ. Bất cứ khi nào động chạm đến bản thân là đề cập trực tiếp đối với ý niệm của tự ngã. Vì vậy, đối với ý niệm tự ngã và những thứ liên quan đến nó cần đi đến sự chấm dứt. Với năng lực của sự quan sát trọn vẹn, mọi ý niệm liên quan đến bản thân hay tự ngã về mặt tâm thức sẽ không còn chỗ bám và đó sẽ là sự chấm dứt. Ngược lại, hành động với ý niệm của tự ngã thì sẽ không bao giờ có sự chấm dứt, nó có nghĩa là tạo ra tính liên tục, tiếp nối, hoàn thiện - sẽ luôn là sự tiếp nối hay kéo dài của bản ngã.

Với việc chấm dứt ý niệm của tự ngã, mọi hiện tượng sẽ trở nên tự hoàn thiện mà không đòi hỏi phải tìm kiếm, theo đuổi. Việc chấm dứt ý niệm ở đây cũng có nghĩa là sự chấm dứt lưu giữ, chấm dứt chồng chất, chấm dứt so sánh, chấm dứt đồng hóa, chấm dứt tạo tác, chấm dứt với mọi hiện tượng thân tâm.
CẢM GIÁC ĐẦY ĐỦ

Bản chất của con người là luôn tìm kiếm, một sự tìm kiếm bất tận suốt cả cuộc đời. Tìm kiếm sự hạnh phúc, giàu sang hay an lạc ..., người ta cứ ngỡ rằng thế nào rồi vận may cũng sẽ mỉm cười mà không ý thức rõ ràng bất kỳ sự vật hiện tượng nào luôn có tính hai mặt. Hạnh phúc và khổ đau, vui sướng và đắng cay, tự hào và hụt hẫng luôn là hai mặt của cùng một đồng xu.

Quá trình tìm kiếm, tầm cầu đem lại cũng không ít đắng chát, chua cay và dường như những cái có được cũng quá mong manh. Kết thúc một quá trình tìm kiếm lại bắt đầu cuộc tìm kiếm mới.

Bất cứ khi nào sự tầm cầu tìm kiếm ngưng lại, một cảm giác đủ đầy dâng tràn, một sự nghỉ ngơi hoàn toàn thư giãn, không còn quá lo lắng suy nghĩ. Đầy đủ là không còn cảm thấy thiếu hay cần thêm bất kỳ thứ gì để tạo ra cảm giác thư giãn, thoải mái.

Nó là cảm giác tinh thần tràn đầy và dư đủ, một nguồn năng lượng tươi mới tuôn trào. Giống như khi thật vui vẻ, hạnh phúc người ta không có cảm giác đói hay thèm thuồng, không có cảm giác cần phải ăn. Năng lượng tràn ngập tới từng tế bào trong cơ thể là một dạng thức ăn tinh tế - sự hỷ lạc.

Trong Pháp Cú Kinh có câu: "Dầu mưa bằng tiền vàng, các dục khó thỏa mãn", với tham dục chi phối người ta chỉ trở thành nô lệ cho các dục vọng. Chỉ khi nào biết đủ, chúng ta sẽ trở thành người giàu sang theo Pháp. Biết đủ là giàu sang bậc nhất (santuṭṭhi paramaṁ dhanaṁ), người ta sẽ trở thành người chủ nhân thực sự.

Sự đầy đủ không phải là tích lũy, lấy vào cho thật nhiều mà là sự sẵn sàng chia sẻ, cho đi dù chỉ là miếng ăn cuối cùng. Một nghịch lý nhưng lại rất hợp lý: càng cho ra, người ta càng trở nên giàu sang, đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Sự cho ra hay còn gọi là bố thí là một sự ban bố, cho ra một cách rộng rãi. Như Đức Phật đã dạy: "Hãy cho ra với đôi bàn tay mở." và bây giờ nó dường như trở thành khẩu lệnh "Sống là sẻ chia"

“Này các Tỷ-kheo, có năm bố thí này, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, được biết là truyền thống cổ xưa, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường.” Đó chính là việc giữ gìn năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say.

Sự giữ gìn năm giới này là một cách sống để chia sẻ, cho ra, một cách ban bố sự không sợ hãi (vô úy) tới muôn loài, bao gồm cả loài người và phi nhân. Năm giới viên mãn là nền tảng để có được sự đầy đủ theo đúng nghĩa ngay trong kiếp sống này.
SUY NGHĨ LÀ GÌ?

Để có thể trả lời cho câu hỏi này, cần tìm hiểu xem cơ chế hay tiến trình của suy nghĩ là như thế nào. Ví dụ khi được hỏi tên là gì hay bao nhiêu tuổi, ngay lập tức người ta trả lời mà không cần suy nghĩ. Nhưng khi hỏi vấn đề khó hơn, chẳng hạn "cái gì sẽ làm chúng ta thích thú?" thì có thể xuất hiện thoáng chút ngập ngừng và câu trả lời tùy thuộc rất nhiều thứ: thói quen, sở thích, học vấn, các vấn đề ưu tiên, niềm tin ...

Như vậy, một chuỗi tiến trình suy nghĩ đã xảy ra để dẫn đến câu trả lời. Tất cả những gì chi phối trong tiến trình suy nghĩ là những cái đã được biết, được trải qua, được chiêm nghiệm, được đúc kết hay thừa hưởng. Tiến trình suy nghĩ diễn ra ở nhiều tầng mức từ thô sơ cho tới vi tế. Những cái người ta quan sát được, hầu hết xuất phát từ sự ghi nhớ, ký ức, kinh nghiệm, kiến thức - đây là những cái đã biết và đã qua, chúng được lưu giữ lại và truy xuất tạo nên những phản hồi đối với hiện tượng xảy ra.

Có thể nói rằng suy nghĩ là phản hồi của bộ nhớ đối với cái đang xảy ra, diễn ra ở cả hai cấp độ: có cảm xúc và không có cảm xúc. Khi không có cảm xúc thì đó chỉ là suy nghĩ thông thường để xử lý một hành động hàng ngày, ví dụ: đi dép, mở cửa, đi từ nhà ra cổng - tất cả tiến trình liên quan đều ngay lập tức chấm dứt khi hành động kết thúc. Khi cảm xúc có mặt, một chuỗi diễn tiến của suy nghĩ được kích hoạt. Chính vì vậy, cặp đôi “suy nghĩ - cảm xúc” là nhân tố chi phối xuyên suốt. Chừng nào cặp đôi này còn đi liền với nhau, sự miên man, chìm đắm, ám ảnh còn liên tục diễn tiến, dường như không có hồi chấm dứt.

Cũng có những khoảnh khắc người ta thấy loé lên - không thuộc về cái đã biết, đã qua, có thể đúng mà cũng có thể không đúng, và ngay lập tức người ta lại suy diễn, diễn giải nó theo những cái đã biết. Vậy là, kể cả tiến trình mới hay tiến trình cũ, khi rơi vào mô típ này, nó đều bị ràng buộc, điều kiện hóa, đều là nhân tố kìm hãm.

Tiến trình suy nghĩ tác động một cách sâu sắc liên quan đến các vấn đề đạo đức và nhân sinh. Thậm chí các ví dụ kinh điển được giáo sư ĐH Harvard đưa ra mổ xẻ để xem người ta sẽ suy nghĩ, quyết định ra sao. Đó là ví vụ về xe điện đứt phanh:

“Giả sử bạn là người điều khiển xe điện lao trên đường ray với tốc độ 96 km/h và bỗng nhiên thấy phía trước có năm công nhân đang làm việc trên đường ray. Bạn cố gắng dừng xe nhưng phanh bị hỏng. Đột nhiên, bạn thấy đường rẽ bên phải có đúng một công nhân đang làm việc và bạn hoàn toàn có thể bẻ xe điện sang bên phải. Vậy bạn sẽ làm gì?

Xét một phiên bản khác:

Lần này, bạn không lái xe mà đứng trên cầu theo dõi (xe điện băng qua dưới cầu, nhưng không có nhánh rẽ phải). Xe điện vẫn lao nhanh và cuối đường vẫn là năm công nhân đang làm việc. Giống như trên, phanh bị hỏng. Bạn bỗng thấy có một người đàn ông rất to béo đứng cạnh bạn trên cầu. Nếu ông béo lăn xuống thì năm người công nhân được cứu, mặc dù bạn có thể lăn xuống, nhưng bạn quá gầy để chặn xe điện. Vậy bạn sẽ làm gì?”

Suy nghĩ khi trở thành miên man, đôi lúc còn được gọi một cách hay ho là nghiền ngẫm, tức là luôn xoay quanh những băn khoăn, thắc mắc trong đầu (tất nhiên là xét dưới góc độ tâm lý). Tiến trình này có thể làm người ta mắc kẹt trong lối mòn của suy nghĩ và làm hao tổn năng lượng vì bị chìm đắm trong cảm xúc. Đây là những nỗi khổ liên quan trực tiếp đến nội tâm do suy nghĩ hay quá cả nghĩ mà ra. Rõ ràng, không miên man trong các suy nghĩ, người ta không có khổ về nội tâm nhiều. Và nếu chấm dứt được các suy nghĩ liên quan thì không còn khổ tâm. Ngay cả những suy nghĩ thích thú về các cảm xúc đã trải nghiệm thì cũng là nhân tố của khổ, vì nó đã tạo nên sự trói buộc - trói buộc dù là ngọt ngào hay đắng cay thì vẫn là sự trói buộc. Nhưng đôi khi, dù chết thì người ta vẫn cứ thích chết ngọt ngào.

THỰC TẠI VÀ SO SÁNH Nhận biết thực tại đang xảy ra có nghĩa là khám phá trong từng khoảnh khắc toàn bộ mọi trải nghiệm. Ngoài cái đó ra kh...