Wednesday, May 13, 2020

THIẾT THỰC HIỆN TẠI

Một trong nhưng ân đức của Pháp (Dhammaguna) là thiết thực hiện tại (sandiṭṭhiko), luôn hiện lộ một cách rõ ràng, không mù mờ. Khi du sĩ Sīvaka hỏi Đức Thế Tôn thế nào là thiết thực hiện tại, ngài đã trả lời:

"Nội tâm có tham, biết là nội tâm có tham,
Nội tâm không có tham, biết là nội tâm không có tham;
Nội tâm có sân, biết là nội tâm có sân,
Nội tâm không có sân, biết là nội tâm không có sân;
Nội tâm có si, biết là nội tâm có si,
Nội tâm không có si, biết là nội tâm không có si."
(Sandiṭṭhika sutta, AN 6.47)

Để làm một hành động nào đó, bao giờ cũng phải xuất phát từ một ý muốn làm. Nếu không có ý muốn này thì người ta không thể làm bất kỳ điều gì.

Có những ý muốn mang tính trung lập: "muốn đi, muốn đứng lên, muốn ngồi xuống, muốn nằm ... ". Có ý muốn xuất phát từ như cầu rất cơ bản: "muốn ăn, muốn uống, muốn nghỉ ... ". Như Thiền Tông có câu nói: "Đói thì ăn, mệt nghỉ liền".

Và cũng có ý muốn do đòi hỏi từ tham dục. Chính những đòi hỏi từ tham dục là một pháp xa rời hiện tại và bị thời gian chi phối.

Na khvāhaṃ, āvuso, sandiṭṭhikaṃ hitvā kālikaṃ anudhāvāmi. Kālikañca khvāhaṃ, āvuso, hitvā sandiṭṭhikaṃ anudhāvāmi.
(Samidhi sutta, SN 1.20)

"Này Hiền giả, ta không bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Hiền giả, chính ta bỏ những gì bị thời gian chi phối để chạy theo hiện tại."

Và như vậy:

"Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói, các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não."

Khi thực biết nội tâm chính là hiện tại không bị thời gian chi phối. Thời gian chi phối hay thời gian tâm lý chỉ hình thành khi bị các dục chi phối và cũng từ đó khởi lên các phiền não. Thời gian chi phối sẽ là có "đến và đi" và là nghiệp vận hành.

Pháp phi thời gian (akaliko) là pháp thiết thực ngay hiện tại, không còn đến và đi, không còn mong cầu, không còn kỳ vọng. Vận hành nghiệp được chấm dứt.

Pháp thiết thực hiện tại chính là sự tự tại (issara), nhờ vậy luôn có sự đảm bảo về mặt an ninh, an toàn, không sợ hãi (abhaya). Thông thường, con người luôn sống với những nỗi sợ hãi khác nhau. Sâu thẳm bên trong họ mong muốn một sự đảm bảo để đem lại một sự an toàn. Bất kỳ mong muốn an toàn nào lại chính là ảo tưởng.

Tham ái sinh sầu ưu,
Tham ái sinh sợ hãi,
Ai giải thoát tham ái,
Không sầu đâu sợ hãi?
(Pháp cú 216)

Không có một sự an toàn nào bằng an toàn nội tâm, ngoài ra không có gì đảm bảo. Không cần một sự đảm bảo an ninh bên ngoài nào cả, hãy sống với tinh thần vô úy, không sợ hãi. Chính tinh thần không sợ hãi này là đang ban bố một sự an ninh (abhaya dāna), an toàn nhất cho bản thân và cho những người xung quanh.

THỰC TẠI VÀ SO SÁNH Nhận biết thực tại đang xảy ra có nghĩa là khám phá trong từng khoảnh khắc toàn bộ mọi trải nghiệm. Ngoài cái đó ra kh...