Friday, July 31, 2020

THỰC TẠI VÀ SO SÁNH

Nhận biết thực tại đang xảy ra có nghĩa là khám phá trong từng khoảnh khắc toàn bộ mọi trải nghiệm. Ngoài cái đó ra không còn gì khác, không có cả kinh nghiệm về người đang trải nghiệm.

Kể cả khoảnh khắc người ta cảm nhận về bản thân một cách rõ ràng nhất thì cũng là một cảm giác cụ thể nào đó, chẳng hạn như cảm thấy sức căng của cơ bắp, về độ ấm hay lạnh của cơ thể, về cái đau hay tâm trạng bứt rứt, về hơi thở gấp gáp hay khoan thai. Có nghĩa là cảm nhận đối với thực tại luôn gắn liền với cảm giác trực tiếp liên quan tới thân và tâm.

Biết một cách rõ ràng về cảm giác, khi xúc chạm chẳng hạn, là đang có sự nhận biết trực tiếp và khách quan nhất, không thông qua bất kỳ hoạt động suy tư nào. Chạm hai tay vào nhau, đó là cái biết trực tiếp về cảm giác: độ ấm hay lạnh, thô hay mịn, cứng hay mềm, khô hay ướt, cảm giác dễ chịu hay cảm giác không thoải mái. Ngoài ra, không thể nào nhận biết trực tiếp đối với cái gọi là xúc chạm. Sự xúc chạm vật lý chỉ có thể nhận biết một cách gián tiếp qua hoạt động của suy nghĩ. Chỉ có những gì được nhận biết trực tiếp mới là thực tại, tức là những gì thực có đang diễn ra.

Khi có cảm xúc vui mừng, với quan sát trực tiếp người ta sẽ không đặt tên cho nó, không có thốt ra lời: “Sao vui quá trời!”. Thốt ra lời thì đó chỉ thuần túy là thói quen của việc so sánh. Người ta đã ngầm so sánh trạng thái vui vẻ của hiện tại với các trạng thái khác trước đây. Quan sát thực tại thì không thể có so sánh vui vẻ hay buồn bã. Như vậy, khi có so sánh thì không còn nhận biết thực tại, tâm thức lúc đó bị hoán chuyển qua lại rất nhanh giữa hai cảm xúc của hiện tại và quá khứ.

Ngôn từ, hồi tưởng hay ký ức không thể thay thế cho khả năng nhận biết thực tại. Cái biết qua việc nhớ lại là cái biết thứ cấp và gián tiếp. Việc nhớ lại kinh nghiệm đã qua thường có tính xơ cứng và bị chốt chặt, trong khi cái biết trực tiếp thì luôn có tính tươi mới và tức thì. Cả hai cái biết này đều có thể được sử dụng nhưng tạo ra các kết quả khác nhau. Hiểu theo cách đơn giản thì thực đơn của nhà hàng là rất cần thiết nhưng không thể thay thế cho bữa ăn. Chỉ khi nào quan sát thực tại trực tiếp thì mới có thể như người ta hay nói: “Quan sát như nó là” hay còn được gọi là sống với hiện tại ở cấp độ cao nhất, còn quan sát với việc so sánh là đang liên kết hiện tượng xảy ra với những gì đã biết trong quá khứ.

Tuesday, July 28, 2020

LÀ VẬY TỨC LÀ VẬY

Câu hỏi thường hay bắt gặp là: “Phải làm gì để giải quyết vấn đề?” cho thấy người đặt câu hỏi thực ra vẫn chưa hiểu rõ vấn đề. Nếu một vấn đề nào đó có khả năng được giải quyết thì việc hiểu vấn đề và việc biết cách giải quyết vấn đề là giống nhau. Mặt khác, nếu giải quyết vấn đề mà người ta không hiểu rõ về nó thì cũng giống như xua tan bóng đêm hay đám bèo bằng cách lấy đôi tay gạt chúng ra xa. Càng cố gạt ra, chúng càng tụ lại. Người ta có biết đâu chỉ cần ánh sáng xuất hiện thì bóng đêm tự biến mất mà chẳng cần phải cố gắng để gạt bỏ.

Ánh sáng nói tới ở đây chính là chánh niệm, tức là việc biết một cách rõ ràng về cuộc sống cũng như bất kỳ trải nghiệm nào của thân tâm theo đúng bản chất của hiện tượng mà không đưa thêm vào những đánh giá hay ý niệm của cá nhân. Bất cứ giải thích hay diễn giải nào cũng vẫn chỉ là ý niệm dù người ta có thể cho rằng nó là hợp tình, hợp lý hay là cái gì hay ho được gán cho nó.

Khi thực sự có chánh niệm, nghĩa là có sự tỉnh thức và nhận biết trọn vẹn, tự nó sẽ loại bỏ những gì là sai lạc và làm hiển lộ chân lý hay sự thật đúng với bản chất của hiện tượng. Trong trường hợp này, vế đầu sẽ đóng vai trò quan trọng và là tiền đề dẫn đến hệ quả của vế thứ hai. Còn nếu tập trung phân tích vế thứ hai thì cũng chỉ mang tính ngôn từ diễn giải, khó có được sự hiểu biết trực tiếp.

Bất cứ những gì đang có như của cải, tài sản, ngân khoản, gia đình êm đẹp ..., người ta hay coi đó như sự đảm bảo cho hiện tại và tương lai. Luôn có khoảng cách mang tính mâu thuẫn giữa sự mong muốn và bản chất của sự đổi thay. Vì bản chất của cuộc sống này là mọi thứ đều đổi thay, khi quá mong cầu sự đảm bảo về khía cạnh đời sống hay tâm linh thì một cách hiển nhiên là người ta đang tách rời khỏi bản chất của cuộc sống. Cùng với việc tìm kiếm sự đảm bảo cũng có nghĩa là ý niệm về “cái tôi” ngày càng được củng cố. Một khi cái tôi càng được củng cố thì sự sợ hãi tiềm ẩn sẽ càng lớn, vì đây là một cặp tỷ lệ thuận.

Sự hiểu biết phát sinh khi có năng lực quan sát trọn vẹn - đơn giản và trực tiếp, đối với trải nghiệm hay những gì đang xảy ra. Người ta có thể coi những trải nghiệm này là sự tiếp xúc lần đầu, đó có thể là bất kỳ cảm xúc, suy nghĩ hay trạng thái tâm đang có ở hiện tại. Cái gì được biết chỉ xảy ra ngay trong khoảnh khắc của hiện tại, những gì được hồi tưởng hay nhớ lại kinh nghiệm xảy ra trước đây không đem lại nhiều giá trị hiểu biết.

Có thể nói rằng kinh nghiệm xảy ra trong từng khoảnh khắc và hiện tại tuy là ngôn từ khác nhau nhưng có cùng ý nghĩa. Người ta chỉ có thể sống ngay với hiện tại khi quan sát trọn vẹn được những gì xảy ra trong từng khoảnh khắc. Như vậy, khi quan sát hiện tượng đang xảy ra, liệu rằng có thể quan sát thấy có “ai đó” đang quan sát? Thực sự đây là hai đối tượng gây ra rất nhiều lẫn lộn và ngộ nhận, nếu nhận biết cái này thì người ta không nhận biết cái kia và ngược lại. Thông thường, cũng vì một sự đảm bảo đã hằn sâu trong tâm thức, người ta luôn cần phải được cảm thấy rằng “mình đang tồn tại và quan sát”.

Tuesday, July 21, 2020

TỰ DO TÂM THỨC

Tự do là một phạm trù mà hầu hết mọi người đều rất thích thú khi được nói tới hay được thể hiện - tự do hành động, tự do ý chí hay bất kỳ giá trị nào được gắn với thuật ngữ này. Xét về mặt thực chất, mọi hành động, lời nói hay suy nghĩ dẫn đến sự bất ổn cả bên trong và bên ngoài thì không thể đem lại bất kỳ sự tự do nào. Sự bất ổn này cũng có nghĩa là những xáo trộn, ràng buộc và sự an nguy về mặt thể chất và tinh thần cho bản thân cũng như cho mọi người xung quanh.

Về cơ bản, người ta chia ra làm hai loại tự do: tự do thoát khỏi một cái gì đó và tự do đạt được cái gì đó. Nếu đang có sự ràng buộc và người ta thoát khỏi các ràng buộc, chi phối bấy lâu nay thì đó là sự tự do. Mặt khác, khi mong mỏi, tầm cầu điều gì đó và người ta có được khả năng về điều kiện và nguồn lực để thực thi ý chí của mình thì đó cũng là một loại tự do để có thể định đoạt theo ý chí. Mặc dù, với việc phân chia này thường được mặc định rằng sự tự do thứ hai mang tính tích cực hơn so với cái đầu. Tuy nhiên, việc phân chia và mặc định đều do con người tạo ra nên nó chỉ là tương đối, tuỳ theo từng góc nhìn.

Trên thực tế, những cái người ta tìm kiếm hầu như là tự do đến từ bên ngoài - đó là tự do đi từ chỗ này đến chỗ kia, tự do làm điều mình thích, tự do tầm cầu, tìm kiếm và lựa chọn. Những tự do này đều có tính hữu hạn và tiềm ẩn xung đột cả về lợi ích cũng như sự hoà hợp tự nhiên.

Tự do bên trong là phạm trù hoàn toàn khác biệt, nó vượt ra ngoài mọi ràng buộc và ước lệ về mặt tâm thức. Tự do bên trong hay còn gọi là tự do tâm thức chỉ có được khi không còn nắm giữ bất kỳ ý niệm nào do tâm tạo. Tự do bên trong là một năng lực tự nhiên và đi cùng với điều đó thì khái niệm tự do cá nhân - một thuộc tính mang tính gắn kết hay tách rời của xã hội, cũng không còn cần thiết được xét đến. Vì xét theo thực tại, tự do chỉ đơn giản là tự do, không phải là tự do của người này hay người khác.

Như vậy, tự do thực sự mang tính vượt thoát và chỉ có được khi đối diện trong mọi hoàn cảnh, dù là thuận lợi hay nghịch cảnh, tâm thức không còn bất kỳ các phản ứng hay đối đãi. Nó hoàn toàn thoát ra khỏi mọi ý niệm về thời gian, nơi chốn, con người và cũng không còn cả ý niệm cố gắng được tự do theo cách này hay cách khác.

Saturday, July 18, 2020

TÔI ĐANG ĐỌC

Khi đang đọc một cuốn sách hoặc đọc những dòng này, nếu hoàn toàn để ý vào nội dung người ta sẽ không thấy có người đọc ở đó. Và rồi ta chợt nhận ra người đọc khi có sự ngưng lại trong giây lát và chuyển đổi từ việc đọc sang việc quan sát.

Sự hoán chuyển một cách mượt mà và liên tục nhưng không tạo ra bất kỳ độ trễ nào khiến ta cảm giác rằng đang có người đọc hiện diện. Cảm giác này xuất phát từ nhận thức suy nghĩ: “tôi đang đọc”.

Như vậy, việc đọc và việc nhận thức suy nghĩ “tôi đang đọc” không xảy ra đồng thời. Nhưng do sự chuyển đổi liên tục và độ trễ rất nhỏ, người ta không ghi nhận được và luôn có cảm giác rằng “tôi đang đọc”.

Cảm giác này xuất hiện khá liên tục để người ta nhận thấy có sự an ổn ở môi trường xung quanh. Trên thực tế, tâm thức chỉ có thể vận hành khi nó cảm thấy có sự an ổn, vì cảm giác bất an sẽ tạo nên xáo động làm tâm thức bị chi phối, thậm chí tê liệt. Cảm giác xác nhận về sự hiện diện của cái tôi là một dạng xác nhận về sự đảm bảo an ổn của tâm thức - nó chính là sự đeo bám, ăn sâu và kéo dài của cái tôi ở tầng mức vi tế.

Thursday, July 16, 2020

PHÂN MẢNH VÀ ĐỒNG HOÁ

Bất kỳ khi nào có nắm giữ, tâm sẽ ở trạng thái phân mảnh, không còn tính toàn bộ. Tương ứng với mức độ nắm giữ sẽ có nhiều mảnh ghép tạo thành các lớp tâm thức trên bình diện ý thức. Mỗi mảnh ghép tâm thức sẽ tự củng cố chính nó thông qua hoạt động phân tích, so sánh và đồng hoá.

Với mỗi chia chẻ, nắm giữ sẽ có các nút thắt tâm thức và qua thời gian các nút thắt tâm thức biểu hiện trên thân thể tạo thành các dấu ấn, có thể là tính cách hay bệnh tật của cả thân và tâm.

Ở trạng thái phân mảnh, luôn có cảm giác dường như “ai đó” đang quan sát một đối tượng hay tiến trình nào đó. Bất cứ khi nào có cảm giác như vậy cũng có nghĩa là tâm thức đang bị phân mảnh. Chỉ đơn giản là vậy, không cần phải cố gắng thiết lập sự toàn bộ nào cả.

Khi ngồi nhìn ngắm dòng sông đang trôi chảy, người ta sẽ quan sát một cách phân mảnh hay toàn bộ?

Với sự toàn bộ, sẽ không còn ngay cả sự thì thào: “Dòng sông êm đềm quá! Ngồi bên bờ sông, trạng thái thật bình an và thư giãn.” Khi toàn bộ, sẽ không có ai đang quan sát hay chiêm nghiệm đánh giá tiến trình đang xảy ra - sẽ không còn cả người quan sát và dòng sông.

Nếu không thấy được sự phân mảnh thì liệu trạng thái tâm bị chia chẻ, phân mảnh có thể thấy được sự toàn bộ hay không? Các câu hỏi nảy sinh nhiều nhất khi tâm đang ở trạng thái phân mảnh. Với sự phân mảnh, nó đồng nghĩa với phân tích, so sánh, đặt tên, đối chiếu, đồng hoá. Vẫn là một vở kịch nhưng được diễn sâu hơn.

Saturday, July 4, 2020

CƠN GIẬN

Trong khi quan sát, việc khó khăn dường như là người ta luôn có sự ấn định cho những gì đang xảy ra. Nếu sự giận dữ được ấn định hay gán với một tính cách không tốt, đáng chê trách, không nên có thì việc tìm hiểu bản chất của giận dữ, sân hận sẽ gần như không thể có được.

Thực tế, cơn giận là một trạng thái cảm xúc bình thường ai cũng có, thậm chí trong một số trường hợp nó còn được coi là khá lành mạnh. Nhưng có một số người dễ trở nên tức giận hơn so với những người khác. Sự nóng nảy của họ mang tính bốc đồng do quá đề cao hay quá yêu quý bản thân. Có thể nói rằng khả năng chịu đựng của họ đối với sự thất vọng là khá thấp. Họ không có khả năng uyển chuyển, dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh - đặc biệt là đối với nghịch cảnh. Sở dĩ như vậy một phần là do yếu tố di truyền và phần khác là do ảnh hưởng của gia đình và xã hội. Dù là bất kỳ nguyên nhân nào thì mọi thứ đều có khả năng hóa giải, không có nhân tố nào mang tính cố định và chốt chặt.

Giận dữ là biểu hiện của sự phản ứng.

Cơn giận sẽ được gọi là chính đáng khi người ta thấy người thân bị bắt nạt, chèn ép, họ muốn đứng lên bảo vệ. Cũng như vậy, khi bảo vệ một lý tưởng, niềm tin, biểu tượng mà người ta đang nắm giữ thì đều được coi là đúng đắn và chính đáng. Nhưng chừng nào còn phân biệt sự giận dữ chính đáng và giận dữ vô lối thì người ta vẫn không thể tiếp cận bản chất của cơn giận.

Có cơn giận bùng phát bất chợt và xẹp xuống rất nhanh, theo kiểu “lúc nắng lúc mưa”. Nhưng cũng có cơn giận được tích tụ dần với thời gian theo kiểu đun liu riu âm ỉ, mặc dù bên ngoài lúc nào cũng bằng mặt nhưng không bằng lòng. Có cơn giận chỉ đơn thuần là do “đụng thúng, đá niêu”, như vấp phải hòn đá làm quá đau chân nên nổi đóa. Nhưng cơn giận có yếu tố tâm lý đằng sau thì thường vi tế và khó khăn hơn khi phải đương đầu với nó. Dù thế nào đi nữa, khi nổi đóa người ta sẽ tìm được lý do phù hợp cho nó.

Sắc thái của cơn giận rất đa dạng, có thể là thất vọng, buồn chán, oán giận, trách móc, cay đắng, hờn dỗi, ganh tị ... Khi có những trạng thái này, tâm trí luôn có hình ảnh của bản thân là trung tâm đi kèm theo đó là những giải thích, diễn giải được bộc phát ra bằng lời hoặc âm thầm trong đầu. Trong thời điểm này nếu dùng ý chí để trấn áp cơn giận thì nó không thể nào đi qua một cách tự nhiên. Cơn giận có thể tạm thời dịu xuống nhưng vẫn âm ỉ cháy bên trong hoặc có thể chuyển sang một sắc thái khác. Tuy nhiên, về bản chất nó vẫn là sự phản ứng đối với hiện tượng xảy ra.

Tại sao người ta lại giận dữ? Có phải là muốn dùng sự tức giận để biểu hiện chính mình hay muốn làm tăng tầm quan trọng của bản thân? Hay người ta muốn dùng cơn giận làm công cụ để đạt mục đích nào đó?

Hay có phải là do cảm thấy bị tổn thương, cảm thấy bức xúc khi có người đối xử một cách không tử tế với mình hoặc với người thân của mình? Nếu không có lưu giữ trong tâm thức thì có tổn thương xảy ra hay không? Liệu có ai làm người ta tổn thương hay tự mình làm tổn thương mình bằng những suy diễn, diễn giải?

Nếu không có phàn nàn, trách móc, so sánh, diễn giải với bất kỳ lời nói hay hành động nào thì người ta sẽ quan sát trực tiếp và khách quan hiện tượng đang xảy ra, thậm chí cũng chẳng còn việc đặt tên hay gán nhãn cho nó là cơn sân.

Saturday, June 13, 2020

QUEN THUỘC NHƯ THÓI QUEN

Cái gì trở nên quen thuộc sẽ trở thành nghiễm nhiên, nghĩa là nó diễn ra mà không được nhận biết hoặc nó được coi như một phần tất yếu. Trong cuộc sống, người ta có xu hướng làm cho mọi thứ trở nên quen thuộc và thuận tiện. Hành vi tạo tác này còn được biết đến với tên gọi là thói quen - là những gì được lặp đi lặp lại đến mức thuần thục và tạo nên cảm giác an toàn, thoải mái.

Thói quen dù tốt hay không tốt thì thói quen vẫn là thói quen, một sự máy móc, rập khuôn nhưng vắng bóng việc nhận biết rõ ràng. Nếu có sự nhận biết rõ ràng thì hoạt động đó còn là thói quen. Nhiều khi được hỏi lý do tại sao thức dậy sớm, người ta nói là do thói quen, nhưng có thể thức dậy cùng một giờ với sự nhận biết rõ ràng mà không tạo thành thói quen. Hay có nhiều người cứ ngồi xuống là rung chân, đây là thói quen tạo cảm giác dễ chịu hoặc có tính trấn an. Nhưng khi nhận biết rõ ràng mà không đánh giá hay phán xét thì việc rung chân sẽ dừng lại.

Ngay cả khi có ý tưởng cho cái gì đó là tốt nhất, người ta sẽ hình thành thói quen lựa chọn, chẳng hạn như thói quen lựa chọn thực phẩm hữu cơ, được cho là có lợi cho sức khoẻ. Và với việc lựa chọn như vậy, theo một số nghiên cứu khoa học, sẽ có thể tạo nên sự khắt khe, thiếu đi lòng vị tha và gây áp đặt chủ quan cho người khác.

Có nhiều thứ rất quen thuộc, chẳng hạn như hơi thở nên hầu hết cũng chẳng ai nhận ra nó. Chỉ khi rơi vào hoàn cảnh cụ thể, thiếu vắng đi sự quen thuộc, người ta mới chợt nhận ra hơi thở thật thiết yếu và quan trọng đến chừng nào. Hơi thở có thể được coi như hàn thử biểu cho khả năng sinh tồn cũng như những thay đổi về mặt cảm xúc một cách chính xác. Khi có sự xúc động, bối rối, hơi thở trở nên ngắn và gấp gáp, âm thanh phát ra có thể lớn đến mức không quá khó khăn để người bên cạnh nhận ra. Trong trạng thái sâu lắng và tĩnh lặng, hơi thở nhỏ dần, dài hơn và nhiều khi chỉ được nhận ra thông qua cảm giác. Giữa hơi thở và trạng thái cảm xúc luôn là sự tương ứng có quan hệ mật thiết với nhau và mang tính đồng thuận.

Có những thói quen khi trở nên quen thuộc sẽ tạo thành sự lệ thuộc, một thứ không thể thiếu, không thể thay thế. Vì lý do nào đó khi thói quen bị đột ngột phá vỡ, tâm sẽ phản ứng vì bị đẩy ra khỏi trạng thái thoải mái dễ chịu. Nhận biết, quan sát một cách trọn vẹn sẽ không để lại các dư tàn và các thói quen sẽ đi đến sự chấm dứt.

Friday, June 12, 2020

HƠN NỮA

Khi thấy và hiểu rõ tiến trình tâm, người ta sẽ không đòi hỏi sự hơn nữa, dù là hơn nữa với bất kỳ cái gì. “Hơn nữa” được hiểu là sự duy trì và kéo dài đối với cái gì đó - thích thú hơn, hạnh phúc hơn, sâu sắc hơn, hiểu biết hơn, chánh niệm hơn. Mong muốn để được “hơn nữa” làm sai lệch và phá hỏng cái đang có, cái đang xảy ra. “Hơn nữa” khởi sinh là do ý niệm về cái “tôi” để từ đó được sự thể hiện, được công nhận, được thỏa mãn, được đáp ứng.

Sự hơn nữa thậm chí còn được biểu hiện rất đơn sơ nhưng rõ ràng ngay cả trong ước muốn tưởng chừng nhỏ nhặt thường ngày. Muốn làm sao có loại hoa quả trái vụ mà người ta vốn thích thú, nghĩa là loại hoa quả này cần có quanh năm để đáp ứng cho nhu cầu thích thú nào đó. Và như vậy, sẽ có đủ cách được nghĩ ra để bảo quản loại hoa quả đó, có khi còn giữ được trong nhiều năm.

“Hơn nữa” không thể vượt qua năng lực của “vừa đủ”, đây không phải là năng lực của người thường mà là năng lực của những ai đã vượt qua. “Hơn nữa” sẽ tạo ra sự lệ thuộc, còn “vừa đủ” sẽ không có sự ràng buộc ở bất kỳ khía cạnh nào. Với năng lực của vừa đủ thì cái gì đó dù làm cho thích thú và siêu việt đến đâu cũng chỉ nên ở một mức độ nhất định. Và để biết được mức độ này là cả một nghệ thuật đòi hỏi có sự hiểu biết đối với bản chất của tâm thức. Tâm thức thì bao giờ cũng muốn hơn nữa, đây là cái bẫy ngay trong bước đi đầu tiên.

Thursday, June 11, 2020

TĨNH LẶNG

Buổi sáng sớm, khi mọi hoạt động vẫn còn dư vị của ngày hôm qua, trong trạng thái thư giãn và thả lòng, sự lắng nghe trở nên hiện diện mà không có bất kỳ định hướng hay tập trung nào. Lắng nghe tiếng chim hót, lắng nghe âm hưởng của gió, lắng nghe tiếng nói cười từ xa vọng tới, lắng nghe những suy nghĩ lúc thì rì rào lúc thì dồn dập. Do cảm giác thư giãn và toàn bộ, không còn tập trung hướng vào bất kỳ âm thanh nào, tâm thức trở nên hợp nhất, không còn nắm bắt một cách rời rạc và phân mảnh.

Trong những khoảnh khắc của sự hợp nhất, có sự tĩnh lặng. Không phải là tĩnh lặng do không có âm thanh, không gian xung quanh vẫn tràn đầy âm thanh và hương vị của nắng sớm. Im ắng bên ngoài mà vẫn còn âm ỉ, sôi sục bên trong thì không hẳn là sự im lặng, bình an - vẫn là hơi hướng của sự tầm cầu, tìm kiếm. Với tâm thức hợp nhất và toàn bộ, nơi đâu cũng đều tĩnh lặng, một sự dừng lại và nghỉ ngơi. Một tiến trình mà không có trung tâm.

Bất chợt, âm thanh của bản giao hưởng đâu đó vọng lại, cảm giác rất đỗi quen thuộc mang tính gợi nhớ. Những gì có tính gợi nhớ đều là hoài niệm của cái đã qua. Chút suy tưởng liên kết với hoài niệm có thể làm thay đổi nhanh chóng cảm xúc - hoặc là bồi hồi hoặc là chút phấn khích của sự mơ tưởng. Và cũng có thể âm thanh bản giao hưởng vẫn êm đềm, du dương nhưng với sự lắng nghe trong im lặng một cách toàn bộ, sự kết nối của thời gian quá khứ hay tương lai mờ nhạt dần. Một sự cảm nhận nhưng không còn kết nối với hoài niệm. Khoảnh khắc lặng im với cảnh quan rộng mở, thời gian không còn.
KẾT QUẢ LÀ TIẾN TRÌNH

Khi nghe một bản nhạc, người ta không hướng đến sự kết thúc như một kết quả. Nếu lấy sự kết thúc là thước đo thì ai chơi nhạc kết thúc nhanh nhất sẽ là người chơi hay nhất. Mọi cảm nhận, hòa hợp, thưởng thức và thăng hoa đều diễn ra khi bản nhạc đang được trình diễn. Tiến trình đang diễn ra chính là kết quả và đó cũng là những gì được nhận biết một cách khách quan và trung thực nhất.

Cách nhìn nhận trong mọi quan sát cũng vậy. Tiến trình quan sát tự nó là sự an lành, phúc lạc và rỗng rang mà không cần đòi hỏi, mong chờ bất kỳ kết quả nào từ việc quan sát đem lại. Trên thực tế, kết quả là hàm ý thuộc về tương lai, mà tương lai thì có tính bất định và chưa đến. Chỉ có những gì đang xảy ra, được nhận biết trọn vẹn, là nền tảng của sự hiểu biết. Những gì đi chệch khỏi thực tại đều là biểu hiện của việc tìm kiếm, phỏng đoán, suy diễn. Não bộ luôn cần một dạng phần thưởng kích thích do dopamine đem lại, dù cho cái giá phải trả là sự lệ thuộc. Chừng nào sự lệ thuộc còn tạo ra dopamine và cảm giác thích thú thì người ta vẫn thích lệ thuộc hơn là tự do. Tự do tâm thức là cái gì đó có vẻ xa vời và khó khăn.

Wednesday, June 10, 2020


CÁCH HIỂU ĐƠN GIẢN VỀ ĐỊNH

Định hiểu theo cách đơn giản là khả năng an trú ổn định trên một đối tượng, không bị các yếu tố ngoại lai khác chi phối. Nếu chỉ lựa chọn một đối tượng cụ thể và đối tượng này là khái niệm (khái niệm thì không có đặc tính thay đổi) để quan sát, như vậy có nghĩa là đang tiếp cận theo thiền định (samatha). Nếu không lựa chọn một đối tượng cụ thể và đối tượng có bản chất thực tại (có đặc tính vô thường, luôn luôn thay đổi) để quan sát, như vậy có nghĩa là đang tiếp cận theo thiền quán (vipassana). Dù tiếp cận theo cách nào thì các phẩm chất của Tinh tấn, Chánh niệm và Định đều được phát triển, để từ đó có thể thấy rõ đúng bản chất của sự vật hiện tượng (Tuệ). 

Đối với thiền định, năng lực Định mạnh mẽ là sự ưu tiên. Để có thể đạt được như vậy đòi hỏi cần nơi chốn yên tĩnh, thời gian ngồi thiền lâu dài cũng như bớt đi các hoạt động cuộc sống bên ngoài. Đối với thiền quán, năng lực Định phát triển đồng thời cùng với sự hiểu biết, tổ hợp Niệm-Định-Tuệ được vun bồi và bổ sung cho nhau. Không có yêu cầu bắt buộc để phát triển thiền quán - không yêu cầu về nơi chốn, không yêu cầu về thời gian, không yêu cầu phải liên tục ngồi thiền. Nghĩa là việc vun bồi và phát triển các năng lực tâm được diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoạt động, sinh hoạt thường ngày.

Định trong thiền quán được hiểu là sự ổn định và an ổn của tâm đối với sự tác động của bất kỳ đối tượng nào khi nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ. Nói cách khác, khi trạng thái tâm an ổn, không có phản ứng với việc nắm giữ hay chối bỏ, thích hay không thích, yêu hay ghét thì trạng thái tâm định được thiết thiết lập. Định ở đây được hiểu là sự an ổn của tâm, cũng có nghĩa là trạng thái tâm không còn phản ứng. Bất cứ khi nào tâm có phản ứng thì năng lực Định bị tác động, phản ứng quá mạnh mẽ theo một cách không thể kiểm soát thì năng lực Định hoàn toàn bị phá vỡ. 

Trong thiền quán, không bắt buộc phải duy trì quan sát một đối tượng cụ thể nào, đối tượng ở đây là không lựa chọn, tức là bất kỳ đối tượng nào nổi trội, rõ ràng đang xảy ra tại các giác quan đều có thể được ghi nhận, quan sát. Nhưng dù ghi nhận quan sát đối tượng nào - dù chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi - sự quan sát luôn phải là toàn bộ và trọn vẹn với đối tượng đó, không bị các yếu tố khác xen vào thì có nghĩa là Sát-na Định (khanika samadhi) có mặt. Với việc trọn vẹn, không xen vào thì không có bất kỳ sự nắm giữ, chồng chất, so sánh, đánh giá hay đồng hoá với thực tại hay đối tượng đang xảy ra. Bất cứ sự xen vào, chi phối của các yếu tố trên thì năng lực Sát-na Định không còn. Với năng lực quan sát trọn vẹn của tổ hợp Niệm-Định-Tuệ, mọi hiện tượng sẽ đi đến sự chấm dứt (nirodha) đúng theo bản chất vô thường mà không để lại dư tàn.

Người ta hay nói một cách dễ dãi về sự nguy hiểm của Định trong thiền định. Thực tế là không phải vậy, Định chẳng có gì là nguy hiểm. Cái nguy hiểm chính là sự dính mắc, nắm giữ vào năng lực Định, việc thích thú an trú trong các cảm thọ do Định đem lại. Những cái này là do sự không hiểu biết, không thông suốt nên mới có sự dính mắc. Không hiểu biết đi cùng với nhiệt tình thì nghiễm nhiên thành phá hoại. Và cũng do không hiểu biết, người ta đổ lỗi cho một nhân tố khác không liên quan.

Tuesday, June 9, 2020

HOÀN THIỆN

Theo nghĩa thông thường của cuộc sống, người ta luôn đề cập tới sự hoàn thiện bản thân. Để làm được điều đó, điều cần thiết là phải có sự phấn đấu, theo đuổi, rèn luyện và phát triển bản thân theo các tiêu chí, mục tiêu đặt ra. Qua thời gian, các tiêu chí có thể được thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và quan niệm sống. Có một điểm chung, quá trình này luôn đòi hỏi sự phấn đấu và theo đuổi.

Trong việc quan sát trọn vẹn, việc hoàn thiện bản thân không phải là vấn đề được đặt ra, đó không phải là  mục tiêu theo đuổi khi bản chất của cái gọi là bản thân chưa thực sự được biết rõ. Bất cứ khi nào động chạm đến bản thân là đề cập trực tiếp đối với ý niệm của tự ngã. Vì vậy, đối với ý niệm tự ngã và những thứ liên quan đến nó cần đi đến sự chấm dứt. Với năng lực của sự quan sát trọn vẹn, mọi ý niệm liên quan đến bản thân hay tự ngã về mặt tâm thức sẽ không còn chỗ bám và đó sẽ là sự chấm dứt. Ngược lại, hành động với ý niệm của tự ngã thì sẽ không bao giờ có sự chấm dứt, nó có nghĩa là tạo ra tính liên tục, tiếp nối, hoàn thiện - sẽ luôn là sự tiếp nối hay kéo dài của bản ngã.

Với việc chấm dứt ý niệm của tự ngã, mọi hiện tượng sẽ trở nên tự hoàn thiện mà không đòi hỏi phải tìm kiếm, theo đuổi. Việc chấm dứt ý niệm ở đây cũng có nghĩa là sự chấm dứt lưu giữ, chấm dứt chồng chất, chấm dứt so sánh, chấm dứt đồng hóa, chấm dứt tạo tác, chấm dứt với mọi hiện tượng thân tâm.
CẢM GIÁC ĐẦY ĐỦ

Bản chất của con người là luôn tìm kiếm, một sự tìm kiếm bất tận suốt cả cuộc đời. Tìm kiếm sự hạnh phúc, giàu sang hay an lạc ..., người ta cứ ngỡ rằng thế nào rồi vận may cũng sẽ mỉm cười mà không ý thức rõ ràng bất kỳ sự vật hiện tượng nào luôn có tính hai mặt. Hạnh phúc và khổ đau, vui sướng và đắng cay, tự hào và hụt hẫng luôn là hai mặt của cùng một đồng xu.

Quá trình tìm kiếm, tầm cầu đem lại cũng không ít đắng chát, chua cay và dường như những cái có được cũng quá mong manh. Kết thúc một quá trình tìm kiếm lại bắt đầu cuộc tìm kiếm mới.

Bất cứ khi nào sự tầm cầu tìm kiếm ngưng lại, một cảm giác đủ đầy dâng tràn, một sự nghỉ ngơi hoàn toàn thư giãn, không còn quá lo lắng suy nghĩ. Đầy đủ là không còn cảm thấy thiếu hay cần thêm bất kỳ thứ gì để tạo ra cảm giác thư giãn, thoải mái.

Nó là cảm giác tinh thần tràn đầy và dư đủ, một nguồn năng lượng tươi mới tuôn trào. Giống như khi thật vui vẻ, hạnh phúc người ta không có cảm giác đói hay thèm thuồng, không có cảm giác cần phải ăn. Năng lượng tràn ngập tới từng tế bào trong cơ thể là một dạng thức ăn tinh tế - sự hỷ lạc.

Trong Pháp Cú Kinh có câu: "Dầu mưa bằng tiền vàng, các dục khó thỏa mãn", với tham dục chi phối người ta chỉ trở thành nô lệ cho các dục vọng. Chỉ khi nào biết đủ, chúng ta sẽ trở thành người giàu sang theo Pháp. Biết đủ là giàu sang bậc nhất (santuṭṭhi paramaṁ dhanaṁ), người ta sẽ trở thành người chủ nhân thực sự.

Sự đầy đủ không phải là tích lũy, lấy vào cho thật nhiều mà là sự sẵn sàng chia sẻ, cho đi dù chỉ là miếng ăn cuối cùng. Một nghịch lý nhưng lại rất hợp lý: càng cho ra, người ta càng trở nên giàu sang, đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Sự cho ra hay còn gọi là bố thí là một sự ban bố, cho ra một cách rộng rãi. Như Đức Phật đã dạy: "Hãy cho ra với đôi bàn tay mở." và bây giờ nó dường như trở thành khẩu lệnh "Sống là sẻ chia"

“Này các Tỷ-kheo, có năm bố thí này, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, được biết là truyền thống cổ xưa, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường.” Đó chính là việc giữ gìn năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say.

Sự giữ gìn năm giới này là một cách sống để chia sẻ, cho ra, một cách ban bố sự không sợ hãi (vô úy) tới muôn loài, bao gồm cả loài người và phi nhân. Năm giới viên mãn là nền tảng để có được sự đầy đủ theo đúng nghĩa ngay trong kiếp sống này.
SUY NGHĨ LÀ GÌ?

Để có thể trả lời cho câu hỏi này, cần tìm hiểu xem cơ chế hay tiến trình của suy nghĩ là như thế nào. Ví dụ khi được hỏi tên là gì hay bao nhiêu tuổi, ngay lập tức người ta trả lời mà không cần suy nghĩ. Nhưng khi hỏi vấn đề khó hơn, chẳng hạn "cái gì sẽ làm chúng ta thích thú?" thì có thể xuất hiện thoáng chút ngập ngừng và câu trả lời tùy thuộc rất nhiều thứ: thói quen, sở thích, học vấn, các vấn đề ưu tiên, niềm tin ...

Như vậy, một chuỗi tiến trình suy nghĩ đã xảy ra để dẫn đến câu trả lời. Tất cả những gì chi phối trong tiến trình suy nghĩ là những cái đã được biết, được trải qua, được chiêm nghiệm, được đúc kết hay thừa hưởng. Tiến trình suy nghĩ diễn ra ở nhiều tầng mức từ thô sơ cho tới vi tế. Những cái người ta quan sát được, hầu hết xuất phát từ sự ghi nhớ, ký ức, kinh nghiệm, kiến thức - đây là những cái đã biết và đã qua, chúng được lưu giữ lại và truy xuất tạo nên những phản hồi đối với hiện tượng xảy ra.

Có thể nói rằng suy nghĩ là phản hồi của bộ nhớ đối với cái đang xảy ra, diễn ra ở cả hai cấp độ: có cảm xúc và không có cảm xúc. Khi không có cảm xúc thì đó chỉ là suy nghĩ thông thường để xử lý một hành động hàng ngày, ví dụ: đi dép, mở cửa, đi từ nhà ra cổng - tất cả tiến trình liên quan đều ngay lập tức chấm dứt khi hành động kết thúc. Khi cảm xúc có mặt, một chuỗi diễn tiến của suy nghĩ được kích hoạt. Chính vì vậy, cặp đôi “suy nghĩ - cảm xúc” là nhân tố chi phối xuyên suốt. Chừng nào cặp đôi này còn đi liền với nhau, sự miên man, chìm đắm, ám ảnh còn liên tục diễn tiến, dường như không có hồi chấm dứt.

Cũng có những khoảnh khắc người ta thấy loé lên - không thuộc về cái đã biết, đã qua, có thể đúng mà cũng có thể không đúng, và ngay lập tức người ta lại suy diễn, diễn giải nó theo những cái đã biết. Vậy là, kể cả tiến trình mới hay tiến trình cũ, khi rơi vào mô típ này, nó đều bị ràng buộc, điều kiện hóa, đều là nhân tố kìm hãm.

Tiến trình suy nghĩ tác động một cách sâu sắc liên quan đến các vấn đề đạo đức và nhân sinh. Thậm chí các ví dụ kinh điển được giáo sư ĐH Harvard đưa ra mổ xẻ để xem người ta sẽ suy nghĩ, quyết định ra sao. Đó là ví vụ về xe điện đứt phanh:

“Giả sử bạn là người điều khiển xe điện lao trên đường ray với tốc độ 96 km/h và bỗng nhiên thấy phía trước có năm công nhân đang làm việc trên đường ray. Bạn cố gắng dừng xe nhưng phanh bị hỏng. Đột nhiên, bạn thấy đường rẽ bên phải có đúng một công nhân đang làm việc và bạn hoàn toàn có thể bẻ xe điện sang bên phải. Vậy bạn sẽ làm gì?

Xét một phiên bản khác:

Lần này, bạn không lái xe mà đứng trên cầu theo dõi (xe điện băng qua dưới cầu, nhưng không có nhánh rẽ phải). Xe điện vẫn lao nhanh và cuối đường vẫn là năm công nhân đang làm việc. Giống như trên, phanh bị hỏng. Bạn bỗng thấy có một người đàn ông rất to béo đứng cạnh bạn trên cầu. Nếu ông béo lăn xuống thì năm người công nhân được cứu, mặc dù bạn có thể lăn xuống, nhưng bạn quá gầy để chặn xe điện. Vậy bạn sẽ làm gì?”

Suy nghĩ khi trở thành miên man, đôi lúc còn được gọi một cách hay ho là nghiền ngẫm, tức là luôn xoay quanh những băn khoăn, thắc mắc trong đầu (tất nhiên là xét dưới góc độ tâm lý). Tiến trình này có thể làm người ta mắc kẹt trong lối mòn của suy nghĩ và làm hao tổn năng lượng vì bị chìm đắm trong cảm xúc. Đây là những nỗi khổ liên quan trực tiếp đến nội tâm do suy nghĩ hay quá cả nghĩ mà ra. Rõ ràng, không miên man trong các suy nghĩ, người ta không có khổ về nội tâm nhiều. Và nếu chấm dứt được các suy nghĩ liên quan thì không còn khổ tâm. Ngay cả những suy nghĩ thích thú về các cảm xúc đã trải nghiệm thì cũng là nhân tố của khổ, vì nó đã tạo nên sự trói buộc - trói buộc dù là ngọt ngào hay đắng cay thì vẫn là sự trói buộc. Nhưng đôi khi, dù chết thì người ta vẫn cứ thích chết ngọt ngào.

Friday, May 29, 2020

ĐỤC VÀ TRONG

Lý thuyết Âm Dương phương Đông phản ánh một quy luật tự nhiên của vũ trụ, vạn vật dù được gắn nhãn trắng-đen, tốt-xấu, chánh-tà, thuận-nghịch đều phản ánh theo trật tự không thể sai khác.

Các cặp đối lập luôn song song tồn tại không thể tách rời, cái này hoặc cái kia có thể chiếm ưu thế, nhưng không vì thế mà tạo thành vị thế triệt tiêu lẫn nhau. Trong Đông phương học, người ta gọi là "hào biến", vì nó tạo thành sự biến chuyển hay chuyển hóa - khi đạt về lượng sẽ chuyển hóa về chất.

Trong nhiều trường hợp, sự tồn tại của các cặp này tạo thành một thế cân bằng hoặc bổ sung cho nhau. Vì vậy, chúng ta mới có "thời thế tạo anh hùng", nếu hoàn cảnh hay thời thế không có thì chẳng có anh hùng nào cả. Môi trường nào đó mất tự nhiên thì không thể có những phẩm chất khác biệt thực sự. Trong Thiền Tông có câu "nước trong quá thì không có cá", hoa sen tượng trưng cho một sự thanh tịnh cao quý được sinh ra, lớn lên và thoát ra từ bùn. Cũng như con người sinh ra từ tế bào dục và thoát ra khỏi dục.

Truyện xưa kể rằng: "Khuất Nguyên làm quan đại phu cho Hoài vương nước Sở, bị kẻ sàm báng mà uất. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo, Khuất Nguyên vừa đi vừa hát trên bờ đầm.

Có ông lão đánh cá trông thấy hỏi:

- Ông có phải là Tam Lu đại phu không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?

Khuất Nguyên nói:

- Cả đời đục cả, một mình ta trong, mọi người say cả, một mình ta tỉnh. Bởi vậy ta uất.

Ông lão đánh cá nói:

- Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải cả đời đục cả, sao không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể, loài người say cả, sao ông không ăn cá men húp bã cá cho say một thể? Việc gì mà phải lo xa, nghĩ sâu để cho đến nỗi phải uất?

Khuất Nguyên nói:

- Tôi nghe mới gội đầu tất phải chải mũ, mới tắm ra tất phải thay đồ, có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ dính bẩn vào mình được? Chẳng thà nhẩy xuống sông Tương, vùi xác trong bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp lại chịu để dây phải bụi dơ.

Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay bơi chèo rồi hát rằng:

Sông Tương nước chảy trong veo
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;
Sông Tương nước đục phù sa
Thì ta lội xuống để mà rửa chân.

Hát xong đi thẳng chẳng nói gì nữa."

Vậy nên, những gì là khái niệm như "Trong" hay "Đục" chỉ là tương đối. Không hiểu rõ mà bám chặt vào sẽ dẫn tới một sự chấp thủ và trở thành kẹt. Kẹt là kẹt, không có cái gọi là kẹt đúng hay kẹt sai, nếu không một lần nữa người ta lại bị rơi vào bẫy của ngôn từ.

Hình tượng hóa một đối tượng nào đó, người ta luôn muốn mọi người xung quanh phải như vậy. Quá yêu thích là thành nắm giữ độc quyền, từ xa không với tới được nhưng vẫn muốn ngăn cấm bất cứ ai động đến hình tượng của riêng mình.

Hình tượng là tốt, nhưng sùng tín là điều hoàn toàn không ổn. Nó thể hiện sự nắm giữ thiếu hiểu biết, cho dù đối tượng đó là cá nhân hay các phẩm chất Giới-Định-Tuệ. Như trong Kinh Trạm Xe, muốn để đi tới ga xe tiếp theo người ta phải rời ga xe hiện tại, cho dù ga xe hiện tại có đẹp và thoải mái, dễ chịu mức nào đi nữa - có nghĩa là người ta phải biết đi tới và bỏ qua để có thể đi tới mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu đó không phải là giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh hay kiến thanh tịnh ... mà là Giải Thoát Tri Kiến.
TỪ BỎ

Từ bỏ (hay buông bỏ) chỉ thực sự xảy ra khi không còn các ý niệm "tôi hay của tôi" xen vào, cũng có nghĩa là chấm dứt đối với các ảo tưởng. Nếu còn ý niệm này thì dù có từ bỏ chăng nữa cũng không phải là từ bỏ thực sự, vì vẫn còn các tầm cầu tiềm ẩn (dục cầu, hữu cầu, phạm hạnh cầu).

Đức Phật dạy rằng: "Cái gì không phải của các ông, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc an lạc cho các ông.

Mắt, này các Tỷ-kheo, không phải của các ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông. Các sắc không phải của các ông. Hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông. Nhãn thức không phải của các ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông. Nhãn xúc không phải của các ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy không phải của các ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các ông."
(Kinh Không phải của ông, SN 35.101)

Từ bỏ ở đây không phải là loại bỏ các bộ phận cơ thể một cách vật lý mà chính là không còn khởi sinh ý tưởng nắm giữ chúng như là "tôi hay của tôi". Ý tưởng này hằn sâu đến nỗi chúng ta chấp nhận nó nghiễm nhiên như là một phần vốn có của cuộc sống, nên khi có điều gì xảy ra người ta nói với nhau theo kiểu bao biện rằng: "Cuộc sống nó phải vậy!". Bất kỳ sự nắm giữ nào cũng là nhân tố dẫn đến các khổ đau do bản chất vô thường của vạn vật.

Mặt khác, cái gì có bản chất vô thường thì không thể nào nắm giữ, người ta không thể nào nắm giữ vào "cái không thể nắm giữ". Không chấp nhận sự tan hoại, biến đổi, người ta có thể làm những điều không tưởng với mục đích níu kéo những gì đã có, điều này tiềm ẩn nguy cơ sang chấn tâm lý; vì ngay cả cái đạt được sớm muộn nó cũng sẽ bị thay đổi, tàn phai.

Cái gì có vẫn có đó, người ta chỉ cần từ bỏ ảo tưởng về sự nắm giữ và mong muốn kéo dài. Hơn nữa, cũng cần cho rơi rụng cả "ý niệm từ bỏ cái gì đó". Khi hình thành ý niệm về bất kỳ cái gì, bản thân nó cũng chính là sự nắm giữ "ý niệm từ bỏ". Nghe qua có vẻ phức tạp nhưng sẽ không quá phức tạp khi khắc làm khắc thấy. Các ý niệm, tư kiến rơi rụng và lụi tàn thì tự trạng thái đó đã là sự từ bỏ rồi, không có ai từ bỏ khi ý niệm chất chứa không còn tồn tại.

Bất kỳ nỗ lực từ bỏ nào đều được thúc đẩy từ "cái tôi" đằng sau và chính sự nỗ lực này lại hun đúc cho "cái tôi" trở nên ẩn sâu vi tế hơn. Đây là vòng luẩn quẩn khó thoát ra. Hãy nhìn nhận vấn đề một cách nhẹ nhàng để tránh khỏi những nút thắt không cần thiết. Khi mọi việc đã trở nên nhẹ nhàng, rỗng rang thì trạng thái "không nắm, không buông" sẽ diễn ra hoàn toàn tự nhiên.
ẢO GIÁC SỢ HÃI

Dù vô tình hay cố ý, khi gieo vào tâm thức một sự kiện hay biến cố, nó sẽ làm đảo lộn sự nhận thức, kéo theo các cảm giác sợ hãi, bất an và có thể làm người ta đi đến những quyết định vội vàng, thiếu sáng suốt. Biến cố nào đó, đa phần nằm trong quy luật của số nhỏ, nhưng vì lý do nào đó được lý giải theo quy luật của số lớn mà tự nó không phản ánh thực tế. Điều này vô tình, mà thực chất là thường xảy ra tâm lý hoài nghi và ảo giác sợ hãi.

Daniel Kahneman, nhà tâm lý học người Mỹ gốc Israel, giành giải Nobel kinh tế năm 2002, trong cuốn "Tư duy nhanh và chậm" đưa ra ví dụ về xác suất của các vụ đánh bom liều chết tại Israel: có tất cả 23 vụ đánh bom từ 12/2001 đến 9/2004, làm tổng cộng 236 người thiệt mạng. Tại thời điểm đó số người đi xe buýt hàng ngày tại Israel xấp xỉ 1,3 triệu người. Với bất cứ hành khách nào nguy cơ rủi ro là rất nhỏ, nhưng công chúng không có cùng cảm nhận như vậy. Họ tránh đi xe buýt hết mức có thể và rất nhiều hành khách dành phần lớn thời gian vừa ngồi trên xe vừa lo lắng, dò xét hành lý hay túi đựng đồ của người ngồi cạnh vì sợ rằng trong đó có thể chứa bom.

Ảo giác sợ hãi này xảy ra trong mọi khía cạnh cuộc sống từ địa ốc, chứng khoán, ngân hàng, marketing, chuỗi bán lẻ ... và không chỉ vậy nó còn lan sang cả trong lĩnh vực tâm linh theo một mô típ tương tự. Khi bị ảo giác sợ hãi chi phối, nếu không đủ hiểu biết một cách cơ bản, người ta sẽ bắt đầu trốn chạy và tìm đến một "miền an toàn". Nhưng thực tế, vấn đề trong tâm thức có được giải quyết hay không mới là điều quan trọng. Ngoại cảnh cũng là một yếu tố xem xét, những không phải là yếu tố quyết định.

Ngay cả trực giác hay sự linh cảm cũng đưa ra nhiều xác suất sai lệch nếu thiếu đi các công cụ như: quy hồi về mức trung bình, các hệ số gốc nhân quả, hệ số gốc thống kê ... Trong bất kỳ thời bình hay thời chiến, môi trường an ổn hay có các dịch bệnh, Đức Phật luôn chỉ nói tới thực tế nguy hiểm từng giờ từng phút đang diễn ra: đó là sự tan hoại của danh sắc, tiến trình già-bệnh-chết đang đeo bám, thiêu đốt mỗi người. Ngoài ra ngài không đề cập tới bất kỳ biến cố nguy hiểm nào để có thể gieo vào tâm thức ảo giác sợ hãi. Ngài luôn tuyên bố sự nhận thức đúng đắn về quy luật nghiệp quả không ai có thể trốn tránh, vì vậy lo lắng, sợ hãi là không cần thiết. Ngài phát đi thông điệp rõ ràng: "Hãy sống mà không sợ hãi":

Không trên trời, giữa biển,
Không tránh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.
(Pháp cú 127)
ĐƠN GIẢN

Đơn giản có thể được hiểu theo nghĩa bên trong và bên ngoài. Đơn giản bên ngoài là khi không phải lệ thuộc quá nhiều vào các đối tượng xung quanh để tạo ra những cảm xúc nhất định. Đối tượng ở đây có thể là người hay một vật nào đó. Đơn giản bên trong,  hay nói cách khác đó là tâm giản đơn, là khi không còn chồng chất thêm các ý nghĩa, khái niệm đối với sự vật, hiện tượng xảy ra.

Để dễ hiểu, chúng ta có thể hình dung thế này: một nhà vua có thể là người đơn giản, người ăn mày có thể là người không đơn giản. Ngày hôm nay nhà vua có thể ở trong cung điện, có đầy đủ người hầu kẻ hạ thì nhà vua cứ sống một cách tự tại không cần phải băn khoăn. Nhưng vì một lý do bất kỳ nào đó, ngày hôm sau phải chuyển ra ở trong túp lều tranh thì nhà vua cũng hoàn toàn thoải mái chấp nhận, không bức xúc, phàn nàn hay khó chịu. Như vậy, nhà vua là một người đơn giản.

Ngược lại, người ăn mày hôm nay có cơm ăn xã hội miễn phí, nhưng lại mơ tưởng tới những món ăn trong nhà hàng, khách sạn mà không bằng lòng với cái mình có thì không phải là người đơn giản. Vì thế mới có câu "ăn mày mà đòi xôi gấc". Khi tâm thức trở nên đòi hỏi hay mong cầu thì đó không phải là tâm thức đơn giản. Thậm chí, người ta có thể bỏ qua những gì đời thường để mong cầu cái gì đó lớn lao về mặt tâm linh.

Chính đơn giản bên trong và bên ngoài tự nó mang một vẻ đẹp. Trong kinh doanh dành cho doanh nghiệp nhỏ có câu "Nhỏ là đẹp" nhưng có lẽ phải là "Đơn giản là đẹp" mới thực sự là hiệu quả.

Đơn giản là để đưa sự vật hiện tượng quay về gốc rễ, trở lại nguyên bản của nó. Như ta vẫn thường nghe "Bình thường tâm thị đạo". Một tâm đơn giản mới có khả năng lĩnh hội, chuyển hóa khi không còn bất kỳ sự đánh giá, liên tưởng hay suy diễn bất tận. Đối với tâm thức không đơn giản  là tâm thức có khả năng "diễn", mà những gì được diễn thì đều không phải là thật.

Coco Chanel, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Pháp có nói: "Sự đơn giản là yếu tố chủ đạo để tạo nên sự sang trọng". Đơn giản cũng có nghĩa là loại ra những gì không thực sự cần thiết, những gì không tạo nên giá trị cốt lõi. Albert Einstein đưa ra ví dụ nhận định về sự đơn giản và hiểu biết: "Nếu không thể giải thích cho đứa trẻ sáu tuổi thì bạn không thực sự hiểu vấn đề.", dù đó là vấn đề cao siêu hay trừu tượng.

Đơn giản cũng có nghĩa là nó là vậy, không để ám chỉ vào bất kỳ điều gì. Có người được được báo chí ca tụng như một người hùng, khi được phỏng vấn người đó nói rằng: "Tôi không cho mình là một người hùng, ở vào hoàn cảnh đó ai cũng sẽ hành động như vậy". Đơn giản chỉ là thế, nhưng vì hiếm hoi quá nên nó được thêm thắt để trở thành hiện tượng.

Cái gì nó vậy thì nó là vậy. Người ta không thể chuyển hóa cái tham thành vô tham, mà chính là khi cái tham diệt dứt thì đó là vô tham. Đây là một thực tế rất đơn giản. Chỉ có điều tâm thức dường như không thích sự đơn giản, nó thích những gì bóng bẩy, trừu tượng và huyền bí.

Như vậy, bất kỳ một sự không đơn giản nào cũng có nghĩa là phức tạp, màu mè, không thực chất, không phản ánh bản chất vấn đề. Quay trở về với những gì tự nhiên, nguyên sơ cũng có nghĩa là đơn giản - không đồng hóa với bản thân mình hay bất kỳ ai, còn không đánh giá, thêm thắt và chồng chất.
HOÀN THIỆN

Theo nghĩa thông thường của cuộc sống, người ta luôn đề cập tới sự hoàn thiện bản thân. Để làm được điều đó, điều cần thiết là phải có sự phấn đấu, theo đuổi, rèn luyện và phát triển bản thân theo các tiêu chí, mục tiêu đặt ra. Qua thời gian, các tiêu chí có thể được thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và quan niệm sống. Có một điểm chung, quá trình này luôn đòi hỏi sự phấn đấu và theo đuổi.

Trong việc quan sát trọn vẹn, việc hoàn thiện bản thân không phải là vấn đề được đặt ra, đó không phải là  mục tiêu theo đuổi khi bản chất của cái gọi là bản thân chưa thực sự được biết rõ. Bất cứ khi nào động chạm đến bản thân là đề cập trực tiếp đối với ý niệm của tự ngã. Vì vậy, đối với ý niệm tự ngã và những thứ liên quan đến nó cần đi đến sự chấm dứt. Với năng lực của sự quan sát trọn vẹn, mọi ý niệm liên quan đến bản thân hay tự ngã về mặt tâm thức sẽ không còn chỗ bám và đó sẽ là sự chấm dứt. Ngược lại, hành động với ý niệm của tự ngã thì sẽ không bao giờ có sự chấm dứt, nó có nghĩa là tạo ra tính liên tục, tiếp nối, hoàn thiện - sẽ luôn là sự tiếp nối hay kéo dài của bản ngã.

Với việc chấm dứt ý niệm của tự ngã, mọi hiện tượng sẽ trở nên tự hoàn thiện mà không đòi hỏi phải tìm kiếm, theo đuổi. Việc chấm dứt ý niệm ở đây cũng có nghĩa là sự chấm dứt lưu giữ, chấm dứt chồng chất, chấm dứt so sánh, chấm dứt đồng hóa, chấm dứt tạo tác, chấm dứt với mọi hiện tượng thân tâm.

Thursday, May 28, 2020

TÌM KIẾM

Bản chất của tâm là luôn suy diễn và tìm kiếm sự giải thích. Càng biết nhiều, càng nhiều thông tin thì càng có nhiều giải thích với đủ các loại kịch bản khác nhau. Khi có sự tin tưởng hay đặt niềm tin theo hướng nào đó, người ta càng cố diễn giải các sự kiện sao cho phù hợp theo hướng đó, sao cho có tính thuyết phục nhất. Cơ chế là như vậy, vì lý do cơ bản là người ta rất sợ bị mất niềm tin, rất sợ bị tước đoạt từ trong sâu thẳm - không có niềm tin người ta sẽ không có cảm giác an toàn.

Một điều rõ ràng là bất kỳ diễn giải nào đều không phải là sự thật, cũng có nghĩa là đối với sự thật thì diễn giải hay giải thích là không cần thiết. Nhưng người ta lúc nào cũng "cần một lời giải thích". Những gì đang diễn ra ngược với niềm tin sẽ làm tâm thức bị bối rối, lung lay và hoài nghi, đó cũng là điều bình thường. Trong trường hợp này, người ta sống chủ yếu dựa vào niềm tin, không phải dựa theo các sự kiện của sự thật. Như vậy, khả năng có thể xảy ra: điều đặt trọn theo niềm tin, cuối cùng lại là giả tạo, không phải là sự thật; điều không tin hay không muốn tin, cuối cùng lại là sự thật. Đối với sự thật, dù chỉ một người chấp nhận và chín mươi chín người không chấp nhận thì đó vẫn là sự thật. Vì sự thật là sự thật, không cần bất kỳ ai chấp nhận hay không chấp nhận. Ngược lại, đối với sự giả tạo, dù chín mươi chín người chấp nhận thì đó vẫn là sự giả tạo. Không thể nào "mặt trời quay quanh trái đất" dù uy quyền được áp đặt để buộc mọi người chấp nhận, dù mọi viện dẫn giải thích đưa ra để mọi người tin theo.

Nếu tâm không có sự sáng tỏ thì không có gì đảm bảo những suy diễn và giải thích là đúng đắn và rõ ràng. Không thể nào trạng thái tâm mù mờ, loạng quạng lại dẫn đến sự sáng tỏ, đây là điều thật khó xảy ra. Càng mù mờ, tâm sẽ càng muốn tìm kiếm thông tin từ bên ngoài để xác chứng, để chứng minh, để khẳng định cho niềm tin. Nếu tâm có sự sáng tỏ, rõ ràng thì mọi suy diễn, giải thích là không cần thiết và thừa thãi. Trong trạng thái sáng tỏ đó, tâm thức sẽ thoát ra khỏi mọi khúc mắc, ràng buộc của những nghi vấn, lăn tăn, sẽ không còn bất kỳ sự chất chứa nào từ bên ngoài. Tất cả tạo tác của tâm đều được chấm dứt, không còn xung đột nội tâm, không còn khắc khoải, hoài nghi, tìm kiếm.

Tuesday, May 26, 2020

VẬY MÀ KHÔNG PHẢI VẬY

Những gì chúng ta nghe và nhìn đều qua một bộ lọc hay lăng kính, sự thật sẽ không thể được chuyển tải. Sự nhầm lẫn, đánh đồng và hiểu sai không phải là điều quá khó hiểu.

Đặc biệt những vấn đề liên quan tới ngôn ngữ sẽ tạo ra suy diễn thì càng xa rời sự thật. Trong hệ thống luật Anh-Mỹ đòi hỏi một chuẩn mực thẩm sát cao thì một số vấn đề cũng có thể nảy sinh theo hai hay nhiều chiều hướng, xuất phát từ tư duy con người và tính chặt chẽ của ngôn ngữ. Ngôn ngữ dù chặt chẽ đến đâu cũng xuất phát từ tư duy con người.

Những gì chúng ta nghe chỉ là ý kiến, những gì chúng ta nhìn chỉ là quan điểm, chúng không phải là sự thật. Nghe vậy mà không phải vậy. Người ta hay nói: "Nhìn là tin", điều đó đơn giản chỉ là sự nghiễm nhiên chấp nhận. Ngay cả Khổng Tử, một con người đa mưu túc trí cũng có khi mắc phải sai lầm. Đó là câu chuyện liên quan đến Nhan Hồi.

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử. Thời Đông Chu bên Tàu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ ... Thầy trò Khổng Tử trên đường từ Lỗ sang Tề cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng. May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ. Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng "cộp" từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống thì thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh, rồi từ từ đưa cơm lên miệng. Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của người thầy. Khổng Tử thở dài, ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Chao ôi! Học trò giỏi nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!"

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về. Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ. Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: "Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước ...

Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ! Thầy nhớ đến cha mẹ nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ, các con bảo có nên chăng?

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: "Dạ thưa thầy, nên ạ!"

Khổng Tử lại nói: "Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?"

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: "Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch."

Khổng Tử hỏi: "Tại sao?"

Nhan Hồi thưa: "Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em. Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi. Bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt chút nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!"

Một sự thấy nghe thực sự chỉ xảy ra khi tâm thức trở nên thực sự rỗng rang, vượt qua tất cả các khái niệm, quan kiến, ý nghĩa. Nắm giữ dù là chút ít cũng đủ để xa rời bản chất của sự thật. Vậy nên, Đức Phật đã gom lại lời giáo huấn trong bài kệ ngắn được coi như kim chỉ nam xuyên suốt.

"Trong cái thấy, chỉ là thấy,
Trong cái nghe, chỉ là nghe,
Trong cái cảm nhận, chỉ là cảm nhận,
Trong cái biết, chỉ là biết."
LẮNG NGHE

Hầu hết người ta rất quen với việc nghe nhưng không thực sự lắng nghe. Nghe là một chuyện, nhưng lắng nghe là chuyện khác, không hoàn toàn giống nhau. Chỉ ở trạng thái lắng tâm mới có thể thực sự nghe, khi đó "nghe chỉ là nghe" mà không chấp nhận cũng như không bác bỏ. Lắng tâm chỉ xuất hiện khi không có gì tác động hay xen vào, có tiến trình xảy ra mà không có chồng chất, không lưu giữ, không diễn giải, không suy diễn. Tiến trình nghe một cách toàn bộ và trọn vẹn đang diễn ra - hành động nghe đang xảy ra là quan trọng hơn cả. Nếu không có so sánh và đánh giá, người ta có thể đang nghe sự thật hay nghe lời dối trá, điều đó không quan trọng - chỉ có tiến trình nghe đang xảy ra, không còn gì xen vào.

Khi nghe một cách toàn bộ, tâm thức tự động ngắt rời và tách khỏi các định kiến, so sánh chủ quan. Nói cách khác, tâm thức không còn bị chi phối bởi những gì được biết, được lưu giữ, được chồng chất - lúc này nó trở nên tĩnh lặng hoàn toàn và thấy rõ những gì đang xảy ra. Ngay đó có sự sáng tỏ và thấu hiểu, không thuộc phạm vi của lý trí, phân tích hay đánh giá. Khả năng lắng nghe với sự tĩnh lặng chính là sự chuyển hóa mà không cần đòi hỏi phải dụng công hay cần bất kỳ tác động nào. Liệu người ta có thể ngồi thư giãn và hoàn toàn yên lặng, không cần tập trung vào đối tượng cụ thể nào, không cần phải quá cố gắng để nhận biết những gì đang xảy ra. Người ta có thể nghe bất kỳ âm thanh nào, đủ các loại âm thanh và tiếng ồn, cái ở xa, cái ở gần. Nghe với sự thư giãn, không quá để ý bất kỳ âm thanh nào - thả lỏng, thư giãn và yên lặng, người ta sẽ nhận thấy bên trong có sự thay đổi, sự lắng dịu và sâu lắng.

Khi có khả năng lắng nghe, người ta có thể nghe những tâm sự hay chia sẻ của người khác mà không còn có ý định đưa ra lời khuyên hay góp ý cho họ. Thực tế, khả năng lắng nghe tự nó có năng lực chuyển hóa, cả bên trong và bên ngoài mà không cần phải tạo ra các thêm thắt. Vì thói quen vốn từ xưa nay là thích thêm thắt, góp ý hay khuyên bảo - nhưng cũng ngay đó là sự tạo tác. Trong số nhiều nhu cầu thiết yếu, con người luôn có nhu cầu được lắng nghe - một nhu cầu mang tính chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu, nhưng họ không thực sự có nhu cầu muốn được khuyên răn hay chỉ bảo. Cũng có thể hình thức là tìm kiếm lời khuyên, nhưng cái họ đang rất cần và thiếu lại là sự cảm thông và thấu hiểu, còn vấn đề của ai thì tự người đó phải nhận thức và giải quyết. Một cách tự nhiên, năng lực của việc lắng nghe mang tính hành động mà không gây ra tạo tác, nhờ vậy các nút thắt, vướng mắc sẽ tự động được cởi mở, hóa giải mà không có ai can thiệp giải quyết. Đó cũng chính là thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, làm chỉ là làm.

Saturday, May 23, 2020

SUY DIỄN VÀ CẢM GIÁC

Giả sử ta đang nhắm mắt, rồi với tay ra phía trước và chạm vào một bàn tay khác. Nếu được hỏi: "Cảm thấy gì?" và ta nói rằng: "cảm thấy một bàn tay". Đó hoàn toàn là sự suy diễn, không phải cảm giác. Người ta không thể nào cảm giác được bàn tay. Biết được đó là bàn tay là do sự suy diễn hay suy nghĩ mà ra.

Cảm giác là cảm nhận thuần túy khi chạm vào bàn tay đó. Cảm giác lúc đó có thể là: hơi ấm, sự mềm mại, nham nhám ... Cảm giác là những gì thực có, được cảm nhận trực tiếp, không qua sự suy diễn, diễn đạt. Chính vì vậy, người ta có thể cảm nhận được rất nhiều thứ xung quanh mà không cần phải đặt tên cho nó. Nó có thể là tiếng chim hót, quạt quay, xe chạy, nước chảy ...  Hãy chỉ  cảm nhận, lắng nghe mà không đặt tên, dán nhãn. Chúng hoàn toàn tươi mới, đó là chất liệu, năng lực sống thực sự. Và thiền chính là cảm nhận được năng lực này - năng lực của sự tỉnh thức.

Bất kỳ khi nào, ta gọi nó với một cái tên, có nghĩa là sự suy diễn vận hành. Lúc này không còn là nhận biết cảm giác nữa mà là tiến trình xen vào suy diễn hay diễn đạt, tất cả đều là phạm trù của suy nghĩ. Trong suy nghĩ, nó có thể tạo dựng nội dung vô cùng phong phú bao gồm cả hình ảnh, âm thanh, lời nói. Nhưng cảm giác thì không thể nào tạo dựng được, nó là trực tiếp và ngay lập tức. Đây là sự khác biệt cơ bản cần được phân biệt rõ.

Những gì được cảm nhận trực tiếp được gọi là thực tại, cái thực có đang xảy ra. Những gì được tạo dựng qua suy nghĩ, người ta gọi là khái niệm. Và lưu ý, khái niệm chỉ tồn tại trong suy nghĩ mà thôi.
TỰ DO THẤT BẠI

Con người luôn hướng tới những quyền căn bản trong cuộc sống và tâm linh, thể hiện sự tự do và khát vọng. Từ xa xưa tới nay, con người luôn mưu cầu sự hạnh phúc, cũng như tự do để trở về bản chất thực.

Khả năng tự do tùy thuộc vào cá nhân mỗi người, không do bất kỳ ai định đoạt cho chúng ta. Tự do là một trạng thái không còn ràng buộc về tâm thức, không còn e sợ, ngại ngùng đối với các nhận xét, đánh giá.

Thường những người cố gắng sống để làm tất cả mọi người hài lòng sẽ không có sự tự do trong nhận thức và hành động. Họ buộc phải gò theo các chuẩn mực có thể đối lập với bản thân, mặc dù một số đông nào đó thuận theo.

Một người trưởng thành là người có nhiều kinh nghiệm sống, trải qua cả thành công và thất bại. Nếu chỉ đạt được thành công mà chưa bao giờ trải qua thất bại thì khó có thể trở thành nhà tư vấn tốt hay một người truyền cảm hứng tài ba. Đứng từ bất kỳ phía nào, người ta có được các bài học cho bản thân chính từ những thất bại. Sự khác biệt của người được gọi là sư phụ và học trò tập sự ở chỗ sư phụ là người đã trải qua quá nhiều thất bại hơn bất cứ học trò tập sự nào.

Mỗi người đều có quyền tự do thất bại mà không phải e sợ sự "ném đá", chụp mũ được khoác lên bằng sự lên lớp dạy dỗ của bất kỳ ai. Xét cho cùng thì cũng không có gì gọi là thất bại vì nó sẽ cho chúng ta những bài học không có trong sách vở, không được dạy tại trường lớp nào cả. Thành công cho ta kinh nghiệm, thất bại cho ta bài học. Cuộc sống cũng chỉ là một chuỗi kinh nghiệm và bài học mà thôi. Nếu chưa trả được bài, có nghĩa là phải học tiếp và tiếp tục học nữa.

Người ta hay được dạy rằng "không được mắc sai lầm, sai lầm là phải trả giá". Trong cuộc sống có nhiều luật chơi khác nhau, dù là quy luật của cuộc sống hay tâm linh, người tham gia cuộc chơi phải có khả năng chấp nhận, chấp nhận một cách trọn vẹn.

Sự trọn vẹn là không lựa chọn, không loại trừ. Chẳng hạn, chấp nhận ai đó một cách trọn vẹn là khả năng chấp nhận cả những tính tốt và tính không tốt của họ. Nếu chỉ chấp nhận theo ý muốn của mình thì chính bản thân chúng ta không bao giờ có thể trở nên trọn vẹn mà chỉ là sự phiến diện được hình thành thông qua quan điểm và tư kiến của bản thân.

Khi được tự do thoát khỏi tất cả những gì chi phối tâm thức thì mọi chuyện đều có thể kể cả sự thất bại. Đứng ở góc độ nào đó có khi nó lại là một điều may mắn. Như ngài Dalai Lama có nói: "Không đạt được điều bạn mong muốn đôi khi lại là may mắn tuyệt vời."
CÁI ĐẸP

Tâm thức càng trở nên nhạy cảm sẽ cảm nhận mọi sự vật, hiện tượng theo bản chất mà không theo định hướng. Càng nhận biết được thực tại, việc định danh "đẹp" hay "không đẹp" sẽ trở thành không cần thiết và thừa thãi.

Một sớm bình minh, khi những tia nắng đầu tiên chưa hoàn toàn ló rạng, hừng đông báo hiệu một ngày bình yên cùng nắng. Toàn bộ cảnh vật xung quanh như đang vươn mình, chuẩn bị sẵn sàng đón nhận sinh khí của nắng sớm, mà chỉ chút nữa thôi sẽ tràn ngập trong mọi ngóc ngách của đêm tàn tối qua. Tiếng côn trùng vẫn rả rích hòa cùng với tiếng chim lảnh lót, lúc khoan nhặt, lúc dập dìu không dứt. Mấy chú gà liên tục đua nhau cất tiếng gáy lúc xa lúc gần, xen lẫn tiếng kêu của đàn dê con, bất giác như tiếng con nít gọi mẹ. Cả một không gian không khác gì một dàn giao hưởng hòa tấu trên nền sớm bình minh, còn gì có thể tuyệt vời hơn. Một cái đẹp trong vắt và tinh khôi luôn biến diệt, chỉ cảm giác hòa cùng mà không thể nắm bắt. Sự lắng đọng man mác, thật mỏng manh rồi tan biến.

Một tâm thức tinh tế sẽ luôn cảm nhận được cái đẹp. Một khi cái đẹp không còn, tất cả sẽ trở thành rôbốt, máy móc có thể làm tâm thức trở nên xơ cứng. Cái đẹp thực sự thì không thể nắm giữ, bất kỳ sự nắm giữ nào cũng làm tan vuột, không còn tính nguyên sơ. Dù cảm nhận được hay không thì nó vẫn luôn là nó - cái không thể nắm giữ, không thể sở hữu.

Thực tế khi đứng trước cảnh quan choáng ngợp, một cách tự nhiên người ta không thể cất lên được lời, dù chỉ là thốt lên: "Ôi, đẹp quá!". Một cảm giác như tia chớp, xâm chiếm toàn bộ, tâm trí như dừng lại. Không còn ta, không còn ai, không còn ý niệm - thuần túy một cảm giác xâm chiếm tới từng tế bào. Khi lời nói vụt thốt lên thì cái đẹp thực sự không còn nữa, tâm trí đang vận hành và liên kết với những gì đã qua.
CÁI BIẾT

Cuộc sống thể hiện qua các mối quan hệ, cả bên trong và bên ngoài. Quan hệ này bao gồm giữa cá nhân với cá nhân, với con người, với gia đình, xã hội, môi trường. Dù có sống cách biệt một mình thì bao giờ cũng có các mối quan hệ: quan hệ với cảnh quan, cảnh vật xung quanh và quan hệ với các suy nghĩ bên trong. Điều gì xảy ra khi người ta phát hiện ra mình bị dối lừa trong một mối quan hệ nào đó? Liệu người ta có tiếp tục duy trì hay không? Liệu người ta có phải hỏi người khác xem mình nên làm gì trong hoàn cảnh này? Nếu thực sự phát hiện ra mình bị dối lừa một cách “hoàn hảo”, một cách tự động người ta sẽ có khả năng và biết cách để chấm dứt nó, lý do đơn giản là không còn ý nghĩa hay lợi ích gì trong việc tiếp tục duy trì.

Mặt khác, nếu cảm thấy vẫn phải hỏi hay tham vấn người khác xem mình phải làm gì trong hoàn cảnh này, có nghĩa là người ta đang đắn đo, vẫn còn lưu luyến, còn rất nhiều cảm xúc trong đó hoặc đó là thói quen làm gì cũng cần người khác xác nhận, ủng hộ. Ngay cả việc quá quen với cái gì đó thì cũng làm người ta khó bỏ, dù vẫn biết là không tốt và không đem lại lợi ích gì, như thói quen hút thuốc chẳng hạn. Trong trường hợp này, tâm thức sẽ tạo ra những thỏa hiệp và tìm cách lý giải một cách hợp lý để có thể tiếp tục mà không cảm thấy áy náy, cảm thấy vẫn chấp nhận được.

Đối với tâm thức cũng vậy, khi thấy được tính vô lý, luẩn quẩn của việc tạo dựng, sự chi phối và lèo lái của tâm, nó sẽ đi đến một sự chấm dứt hoàn toàn. Người ta sẽ tự biết cách thoát ra khỏi guồng máy chi phối mà không cần phải đắn đo, tham vấn bất kỳ ai, vì đó không còn là điều cần thiết. Nếu chưa thực sự thấy toàn bộ hoặc chỉ thấy một phần của tiến trình, thì sẽ tiếp tục còn đó sự lăn tăn, đắn đo, không tự tin, cảm giác tiếc nuối. Có thể mặc dù biết như vậy, nhưng do vẫn được bơm vào một cảm giác thích thú, xoa dịu hay cảm giác được “đi tàu bay giấy” thì tâm thức sẽ còn có xu hướng tìm cách lý giải, níu kéo. Và nói một cách chặt chẽ, tiếp tục theo mô típ cũ thì người ta vẫn không thực biết hoặc chỉ biết trên mức độ bề mặt, còn chiều sâu mang tính chi phối vẫn hoàn toàn nằm ngoài cái biết. Nhiều khi với một kết luận sớm, cái biết lại là sản phẩm của sự biện minh, lý giải, hợp lý hoá trong lúc mọi thứ vẫn là “bình mới rượu cũ”.

Friday, May 22, 2020

NÊN VÀ KHÔNG NÊN

(Trích Kinh Vajjiyamāhita, AN 10.94)

- Này Gia chủ, Ta không nói rằng, tất cả khổ hạnh cần phải hành trì. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng, tất cả khổ hạnh không nên hành trì.

- Này Gia chủ, Ta không nói rằng tất cả sự chấp trì cần phải được chấp trì. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự chấp trì không nên chấp trì.

- Này Gia chủ, Ta không nói rằng tất cả sự tinh cần phải tinh cần. Này Gia chủ, ta cũng không nói rằng, tất cả sự tinh cần không nên tinh cần.

- Này Gia chủ, Ta không nói rằng, tất cả sự từ bỏ nên từ bỏ. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự từ bỏ không nên từ bỏ.

- Này Gia chủ, Ta không nói rằng tất cả sự giải thoát nên giải thoát. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng, tất cả sự giải thoát không nên giải thoát.

(Lý do nên và không nên)

1. Khổ hạnh

Này Gia chủ, phàm hành trì khổ hạnh nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, khổ hạnh ấy, Ta nói, không nên hành trì.

Nhưng này Gia chủ, phàm hành trì khổ hạnh nào, cá pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, khổ hạnh ấy Ta nói nên hành trì.

2. Sự hành trì (chấp trì)

Này Gia chủ, phàm chấp trì nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, chấp trì ấy, Ta nói, không nên chấp hành.

Phàm chấp hành chấp trì nào, các pháp bất thiện tổn giảm, các thiện pháp tăng trưởng, thời chấp hành ấy, Ta nói nên chấp trì.

3. Tinh tấn

Này Gia chủ, phàm tinh cần nào được tinh tấn, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp tổn giảm, thời tinh cần ấy, Ta nói rằng, không nên tinh tấn.

Phàm tinh cần nào được tinh tấn, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, thời tinh cần ấy, Ta nói nên tinh tấn.

4. Sự từ bỏ

Này Gia chủ, phàm từ bỏ tất cả sự từ bỏ nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, thời tất cả từ bỏ ấy, Ta nói, không nên từ bỏ.

Phàm từ bỏ tất cả sự từ bỏ nào, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, thời tất cả từ bỏ ấy, Ta nói nên từ bỏ.

5. Sự giải thoát

Này Gia chủ, phàm giải thoát sự giải thoát nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các thiện pháp tổn giảm, thời giải thoát ấy, Ta nói, không nên giải thoát.

Phàm giải thoát giải thoát nào, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, thời giải thoát ấy, Ta nói nên giải thoát.
TAN VÀ CHẢY

Vào thời khắc các hiện tượng diễn ra chợt trôi chảy, mọi thứ dường như là vậy và không còn nhiều việc phải làm. Và rồi chúng ta có thể thốt lên với một sự ngạc nhiên xen lẫn thoáng tò mò: "Sao lại như vậy nhỉ?!".

Vậy là vậy, vậy thôi!

Khi chỉ là thuần túy quan sát, sẽ không còn chút gì bị kẹt lại. Nó là sự diễn tiến của những biến diệt. Đọng lại là cảm giác nhẹ thoát khó diễn tả, một chút nhè nhẹ một chút lâng lâng, không định hình một cách rõ ràng. Ý niệm về không-thời gian ngưng lại. Thoáng một chút định tâm lại ... nó vụt tắt.

Trước đây cảm nhận về sự tồn tại và công nhận chỉ được định hình trong các mối quan hệ với người và sự vật.  Trong những khoảnh khắc tan biến, mối quan hệ mang tính ý niệm tự động bị cắt rời.

Nếu ngẫm nghĩ xem cái gì đã xảy ra, mọi chi tiết bao gồm cả sự quan sát, các cảm xúc và tiến trình đi theo khuôn mẫu thiết lập ý tưởng, khái niệm và lưu giữ trong bộ nhớ. Và mọi thứ lại trở về lối mòn cũ. Thực tế cuộc sống có rất nhiều điều được trải nghiệm mà ai cũng sẽ có được câu trả lời rất riêng cho mình. Trong khoảnh khắc mọi thứ đều vỡ òa và tan vào dòng chảy bất tận. Đáng nhớ và cũng đáng quên.
ĐỐI DIỆN

Người ta chỉ có thể đồng ý hay bất đồng đối với ý kiến hoặc kết luận nào đó, nhưng hoàn toàn không thể như vậy đối với thực tại. Thực tại xảy ra, nó luôn là như vậy, không cần đến việc đồng ý hay không đồng ý từ bất kỳ phía nào. Điều gì xảy ra nếu thực sự người ta phát hiện ra rằng mình đang nói sau lưng người khác. Xét ở góc độ nào đó, việc nói sau lưng người khác dường như tạo ra cảm giác thích thú, giống như được bơm một liều dopamine vào não. Vì thế trong các câu chuyện ít nhiều cũng liên quan đến người thứ ba, tất nhiên người thứ ba là người không có mặt ở đó. Còn nếu chợt thấy người nghe đang mắt tròn mắt dẹt thì người ta lại trở nên phấn khích hơn và muốn đưa đẩy câu chuyện thêm những chi tiết ly kỳ theo kiểu "bật mí thông tin nội bộ".

Khi phát hiện ra như vậy, lúc này đừng cố gắng dùng ý chí hay tự răn đe để chấm dứt, dập tắt nó. Thử quan sát xem tại sao mình lại nói như vậy và những lý do nào thúc đẩy đằng sau? Phải chăng tâm thức không còn đủ hứng thú để nhận biết tiến trình suy nghĩ và hành động của bản thân? Phải chăng tâm thức đang trở nên trống rỗng và nhạt hoét nên nó cần phải quan tâm, tò mò, nhỏ to về người khác để cho có sự thích thú?

Không cần phải xấu hổ hay che đậy, không cần phải lên án hay tìm cách hợp lý hóa những gì đang xảy ra. Nếu có thể nhận biết trọn vẹn, người ta sẽ thấy việc này được chấm dứt nhanh ra sao. Và việc quan sát, nhận biết trọn vẹn sẽ làm bộc lộ bản thân con người thực qua hành động, cử chỉ, lời nói cùng toàn bộ những ẩn chứa liên quan mà không cần phải phân tích, lý giải hay biện minh. Người ta cũng sẽ thấy việc nhận biết đúng bản thân là điều không hề dễ dàng. Thậm chí nhiều khi cũng biết, ở mức độ nào đó, nhưng người ta vẫn không biết làm thế nào để đối diện và cuối cùng lại quay sang tiếp tục loay hoay tìm lối thoát.

Nếu quan sát với mong muốn đạt được hay có được điều gì đó từ kinh nghiệm hay thực tại đang xảy ra, tâm thức đã được đặt vào trung tâm của tự ngã, nó đã ở tư thế sẵn sàng để lèo lái con thuyền vĩ đại đi theo định hướng mong muốn.

Thursday, May 21, 2020

KHÔNG LỰA CHỌN

Lựa chọn là hành động đắn đo trước khi đưa ra quyết định, nó là trạng thái tâm lượng lự. Có quá nhiều thông tin cũng làm rối mù và trong lúc nhất thời mê tỉnh người ta cũng có thể nhắm mắt mà chọn. Khi quyết định chọn rồi vẫn còn e sợ không biết điều đó có đúng hay không, có gì sai không, có làm sao không ...

Đắn đo, lưỡng lự là biểu hiện trạng thái tâm không được rõ ràng, không có sự tự tin. Nếu sự tự tin có mặt, người ta có thể xử lý theo bất kỳ hành động nào, cho dù đã bị sai lệch. Sự tự tin không có nghĩa là mọi thứ cứ bắt buộc phải đúng, sự tự tin là khả năng sẵn sàng chấp nhận mọi thứ xảy ra cho dù là đúng hay sai. Đúng hay sai đều có giá trị và bài học riêng của nó.

Như vậy, sự lựa chọn không đem đến cho chúng ta tự do tâm thức. Khi bối rối, lưỡng lự chúng ta mới hay có lựa chọn, với tâm rõ ràng thì không còn sự lựa chọn nào cả. Mọi điều xảy ra đều không phải là vấn đề.

Bất kỳ lựa chọn nào bắt buộc phải có sự cố gắng và tập trung. Không có lựa chọn thì mọi việc đều diễn ra tự nhiên như nó cần phải có, không cần sự cố gắng hay tập trung nào cả.

Mây bay lơ lửng, vần vũ, quần tụ không theo một lựa chọn hay khuôn mẫu nào đó. Bất kỳ định dạng, hình dáng nào của nó cũng không có gì là sai lệch. Mây tụ lại và tan ra một cách tự do.

Mặt khác, cho dù có lựa chọn hay không đưa ra lựa chọn, chúng cũng đều giống nhau. Việc không lựa chọn cũng chính là sự lựa chọn. Nếu có phải lựa chọn thì mọi hối hận do sai lầm có thể xảy ra là điều không cần thiết. Mọi vấn đề luôn có cách tự hóa giải, không cần phải quá lo lắng do suy nghĩ tưởng tượng.

Chính vì vậy, trong thiền có một sự quan sát không lựa chọn (choiceless awareness). Bất kỳ đối tượng nào xuất hiện cũng không làm cho tâm quá thích thú hay khó chịu. Hành động hay quan sát không lựa chọn đem lại sự tự do, rỗng rang thực sự. Tâm không cần phải nỗ lực cố gắng hay tập trung. Bất kỳ khi nào hai yếu tố này có mặt, sự lựa chọn sẽ được định hình.

Đức Phật là điển hình cho sự không lựa chọn, nhưng với chúng ta chừng nào còn bị rối trí và chi phối bởi vô minh, tham dục thì khuynh hướng lựa chọn vẫn còn tiềm ẩn.

"Không bờ này, bờ kia,
Cả hai bờ không có,
Lìa khổ, không trói buộc,
Ta gọi Bà la môn." (Pháp Cú 385)
PHÂN MẢNH VÀ HỢP NHẤT

Những ai dùng máy tính, sau một thời gian phải dùng phần mềm disk defragmenter (giải phân mảnh) để giải quyết tình trạng máy bị phân mảnh trở nên chậm chạp, ì ạch không thể giải quyết được ngay cả các tác vụ đơn giản. Việc giải phân mảnh được khuyến nghị thực hiện thường xuyên để giúp máy có thể chạy tối ưu một cách dễ dàng. Khi bắt đầu chạy chương trình, nó mất một khoảng thời gian khá lâu, nhưng càng lúc càng nhanh dần và khúc sau chúng ta có cảm giác nó đang giải quyết với tốc độ của tia chớp.

Tâm thức cũng giống như vậy, hay bị rơi vào tình trạng phân mảnh, nó sẽ bị đơ và rơi khỏi trật tự tự nhiên. Nhiều khi chúng ta cũng chẳng hiểu là sao, mà thực cũng không cần mất thời gian để tìm hiểu - một điều không quá cần thiết. Khi tâm thức rơi khỏi quỹ đạo, dù chúng ta làm gì nó cũng không đem lại một sự hợp nhất, hòa hợp theo tự nhiên. Những lúc như vậy, mọi hành động tưởng chừng như đúng sẽ không còn đúng, cho dù nói theo cách nào đi nữa thì cũng chỉ là ngôn từ có tính lên gân hoặc xoa dịu mà thôi.

Sự phân mảnh trong tâm thức xảy ra khi các động cơ không chân chánh do tham ái và sợ hãi chi phối, nghĩa là nó đã được định hình theo một chiều hướng. Khi có tâm trạng hoài nghi và phóng dật một cách ảo tưởng cũng làm cho tâm thức trở nên phân mảnh, nó hoàn toàn trở nên mất phương hướng. Sự hiểu biết không chân chánh hay còn gọi là tà kiến cũng làm sai lệch trật tự quỹ đạo. Toàn bộ các trạng thái này là những nhân tố làm cho tâm thức không còn đúng với bản chất vốn có.

Bản chất vốn có (as it is) mang đặc tính vô thường phổ quát, tự nó có tính diệt dứt. Đây chính là sự hợp nhất tự nhiên trong pháp giới, năng lực diệt dứt (nirodha) cũng được ví như phần mềm defragmenter, đưa vạn vật trở về với bản chất Không Tánh.

Ở trạng thái hợp nhất, các hành động sẽ không còn bị ý niệm chi phối, không còn gì quá quan trọng, các mối liên kết không cần thiết sẽ tự động cắt đứt, không còn quá lưu tâm tới các sự việc phải là thế này hay thế kia.

Sự hợp nhất cũng có nghĩa là đặt gánh nặng xuống, chúng ta có cảm giác như người vừa ốm dậy trở nên khỏe lại, trạng thái nhẹ nhàng rất khó tả mà chỉ những người ốm lâu ngày hết bệnh mới cảm nhất một cách đủ. Không phải là sự khỏe mạnh để nâng một vật lên, mà là khả năng có thể đặt nhẹ nhàng xuống. Đối với họ không cần phải giáo huấn nhiều về điều này điều kia vì tâm thức họ đã có sự chuyển hóa hòa hợp theo tự nhiên.

Càng hợp nhất, năng lực tự nhiên càng mạnh mẽ, nó sẽ cho thấy uy lực không thể nghĩ bàn như lời dạy của Đức Phật: "Không có thiên về thì không có đến và đi; không có đến và đi thì không có diệt và sanh; không có diệt và sanh thì không có đời này, không có đời sau, không có đời ở giữa. Ðây là sự đoạn tận khổ đau." (Ud. 83)
HÀNH ĐỘNG VÀ PHẢN ỨNG

Hành động và phản ứng là hai khái niệm khác biệt. Hành động mang tính trực tiếp, không bị chi phối bởi bất kỳ yếu tố nào. Phản ứng là một hành động gián tiếp, bị chi phối và chồng lên nó nhiều quan kiến, ý niệm. Trong hầu hết trường hợp, người ta đa phần là phản ứng chứ không phải hành động.

Khi hành động dù kết quả xảy ra như thế nào chăng nữa, người ta sẽ không hối tiếc, ngược lại phản ứng thường dẫn tới những sự bất cập không thể dự đoán được.

Nhận ra rằng mình đang có sự dính mắc, một ý muốn tu tập, phát triển sự buông bỏ khởi lên, đó chính là sự phản ứng đối với trạng thái dính mắc. Bất kỳ sự tu tập nào theo ý niệm định ra, nó sẽ phát triển một sự dính mắc vi tế - "dính mắc vào sự buông bỏ" hay một cái gì đó tương tự.

Hình tướng là cái hay bị nắm giữ một cách ý thức cũng như vô thức. Khi selfie, người ta hay giơ hai ngón tay có nghĩa là "chiến thắng", cũng có nghĩa là "hòa bình" và với nhiều người trẻ tuổi bây giờ nó mang ý nghĩa check-in, nhiều khi cũng chỉ đơn giản là "Xin cho hai tô phở!".

Cũng như vậy, xòe tay hay không xòe tay ra cũng là như nhau nếu không có sự chấp giữ (phản ứng), nó cũng chỉ là hành động có tính thể hiện hay không thể hiện nhưng nội hàm đã bao gồm trong đó. Nội hàm không nằm trong hình tướng mà ở ngay tâm thức khi trống rỗng các quan kiến, ý niệm, cũng có nghĩa là tất cả.

Người ta chìa (xòe) tay ra để cho một cái gì đó và người nhận cũng chìa tay ra để nhận. Cùng là một hành động xòe tay, tâm thức mỗi bên không giống nhau. Nhưng cũng có thể nói rằng cả hai cùng cho và nhận - giống như trường hợp người cho cần nói lời "cảm ơn" đối với người nhận.

Chính vì vậy, xác định đúng đối tượng là điều cần thiết, nếu không phản ứng cứ xảy ra mà lại được cho là hành động. Minh chứng cho điều này, Đức Phật dạy rằng bất kỳ đối tượng đẹp đẽ nào ở bên ngoài nó không phải là dục, nó đã vốn sẵn có như vậy: "các hoa mỹ an trú như vậy ở trên đời". Sở dĩ dục có mặt là do khởi tâm, không phải dục là yếu tố cấu thành của đối tượng bên ngoài.

"Các tư duy tham ái,
Là dục của con người,
Các hoa mỹ ở đời,
Chúng không phải là dục,
Các tư duy tham ái
Là dục của con người,
Các hoa mỹ an trú
Như vậy ở trên đời,
Ở đây những bậc Trí,
Nhiếp phục được lòng dục."
(AN 6.63)
VÌ SAO TUÂN THỦ?

"Tuân thủ" hiểu theo cách thông thường là thực hiện theo đúng quy định đặt ra. Theo từ điển Merriam Webster, tuân thủ có nghĩa là "quan sát và làm theo", mà quan sát là một quá trình học hỏi với nhiều cấp độ khác nhau. Học hỏi với nghĩa tích lũy và học hỏi với nghĩa không tích tụ, chồng chất.

Mọi sự vật hiện tượng đều có các quy luật chi phối. Khi có thể học và làm theo tự nhiên thì đó là tuân thủ một cách thuận Pháp, những gì thuận Pháp đó chính là trật tự. Ý nghĩa của Pháp chính là quy luật tự nhiên.

"Đói thì ăn, mệt thì nghỉ" là sự tuân thủ hài hòa, chúng ta biết lắng nghe và học hỏi theo nhu cầu của một tổ hợp tinh vi được gọi là ngũ uẩn. Nhu cầu đòi hỏi của cơ thể mỗi người không giống nhau, người ta có sự lắng nghe và tuân thủ khác nhau. Một quy luật bao trùm tự nhiên khác, đó là quy luật âm dương. Khi biết sự diệu dụng của nó thì người ta tự động tuân thủ, không có một sự khiên cưỡng, bắt buộc ở đây. Thiết kế một cỡ và áp dụng cho tất cả sẽ tạo ra sự đảo lộn và phá vỡ trật tự tự nhiên.

Trong một số trường hợp do không thể duy trì tính trật tự, các quy định và nội quy được đưa ra áp dụng để đảm bảo mọi thứ diễn ra theo đúng lập trình. Dù muốn hay không, nhưng khi ở trong môi trường như vậy người ta phải tuân thủ và đến một lúc nào đó tâm trí sẽ trở nên máy móc.

Khi quá máy móc sẽ không còn sự yêu thích và sáng tạo vì những phẩm chất này không thể được nuôi dưỡng và tưới tẩm trong môi trường bắt buộc tuân thủ. Về mặt tâm lý lâu dài, sự dè dặt, e ngại, sợ hãi có thể nảy sinh nếu luôn phải đè nén cảm xúc cá nhân.

Người ta đã rất quen thuộc với một tổ chức xã hội với các quy định, nội quy cần phải tuân thủ. Điều này ăn sâu trong tâm thức đế nỗi đi đến bất kỳ nơi nào việc đầu tiên chúng ta sẽ được giới thiệu hoặc tìm hiểu về nội quy của nơi đó, với hàm ý đòi hỏi một sự chấp thuận tuân thủ.

Liệu có bao giờ chúng ta có thể sống mà không đòi hỏi một sự tuân thủ nào đó hay không? Cái gì sẽ đem lại trật tự hài hòa tự nhiên mà không cần phải tuân thủ? Câu trả lời hoàn toàn có thể, vì suy cho cùng tất cả các hình tướng hay sự thể hiện đều do tạo tác của con người chứ không phải ai khác.

Sự nhận thức đúng đắn sẽ giúp con người có được một trật tự hài hòa mà không bắt buộc phải tuân thủ. Điều này cũng hoàn toàn đúng trong thiền, đó chính là khi trí tuệ khởi phát để vượt qua mọi rào cản của nội quy và quy định. Chính điều này Đức Phật cũng đã xác nhận: "Sống với trí tuệ là cuộc sống tối thượng". Sự rỗng rang, không bó buộc bởi các quy định, ánh sáng trí tuệ sẽ là sự dẫn dắt để tạo nên một trật tự hài hòa tự nhiên.
NIỀM TIN

Có nhiều quan niệm và định nghĩa về niềm tin. Một trong các định nghĩa, theo từ điển Merriam Webster "Niềm tin là sự tin tưởng một cách chắc chắn vào điều gì đó mà không có bằng chứng". Định nghĩa này nghe có vẻ hơi lạ tai, nhưng chúng ta có thể hiểu thông qua một ví dụ như sau:

Giả sử, một người nắm bàn tay lại và nói rằng: "Trong tay tôi có một viên kim cương". Thực tế, chúng ta không có thần thông hay năng lực siêu nhiên nên hoàn toàn không biết trong tay người đó có viên kim cương hay không. Nhưng vì tin tưởng người này là người nổi tiếng, có đức hạnh, chính trực và không bao giờ nói dối nên chúng ta tin vào điều người đó nói, mặc dù không thấy và không biết viên kim cương.

Nếu người đó mở bàn tay ra, chúng ta đã tận mắt nhìn thấy viên kim cương thì lúc này không còn niềm tin rằng trong tay người đó có viên kim cương. Câu hỏi: "quý vị có tin rằng trong tay tôi có viên kim cương?" là hoàn toàn không cần thiết. Khi đã thấy và biết thì không còn niềm tin một cách mơ hồ.

Chính vì vậy, niềm tin thường đặt một cách loạng quạng theo cảm tính khi mà tâm thức không có sự rõ ràng. Lúc này cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định. Đây là điểm mấu chốt mà những người làm quảng cáo nắm thóp để giới thiệu bán sản phẩm. Cái họ cần là tạo ra những gì thông qua mắt nhìn và tai nghe một xúc cảm đặc biệt khác thường - nhân tố đánh thẳng vào tâm thức để từ đó đưa ra quyết định.

Nếu là người trong nghề, biết rõ ràng về tác dụng và phẩm chất của sản phẩm thì người ta không cần phải tin theo quảng cáo mà tự mình với sự hiểu biết sẽ quyết định những gì có lợi nhất.

Theo Chú giải Bộ Pháp Tụ, chức năng của niềm tin là xóa tan mọi hoài nghi, làm cho tâm thức trở nên hoàn toàn thanh tịnh. Khi đó, người ta không còn đặt ra câu hỏi đại loại như: "Làm như vậy có đúng hay không?", không cần một sự xác chứng nào nếu tâm thức đã chấm dứt hoài nghi. Nếu không như vậy, hoài nghi sẽ trở thành đối tượng đề mục để quán chiếu, không phải việc có được câu trả lời một cách dễ dàng sẽ giúp diệt dứt hoài nghi.

Niềm tin và hoài nghi là một cặp tỷ lệ nghịch với nhau, hoài nghi càng lớn thì niềm tin càng nhỏ và ngược lại. Hoài nghi gắn chặt với hoạt động của tưởng. Có câu chuyện, có một người buổi sáng phát hiện mất cái cuốc và nghi ngờ anh hàng xóm ăn trộm. Người đó thấy cách anh ta đi cũng giống kẻ ăn trộm, cách anh ta nhìn cũng giống kẻ ăn trộm, cách anh ta nói cũng giống kẻ ăn trộm. Tới chiều phát hiện cái cuốc ở góc bếp, tất cả các tướng giống kẻ ăn trộm của anh hàng xóm đều biến mất.

Khi niềm tin đi cùng sự hiểu biết sẽ thể hiện thành khả năng quyết tâm không nhụt chí trong việc thực hiện hành động. Đó không còn là một niềm tin suông. Chính vì vậy ngài Sāriputta đã dõng dạc trả lời Đức Phật rằng ngài không đơn thuần chỉ đến với Đức Phật vì niềm tin.

"Ở đây, bạch Thế Tôn, con không đi với lòng tin của Thế Tôn, rằng tín căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh... tuệ căn được tu tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục đích, lấy bất tử làm cứu cánh. Với những ai, bạch Thế Tôn, không chứng trí, không thấy, không hiểu, không chứng ngộ, không đạt tới với trí tuệ; họ cần đi với lòng tin của kẻ khác."
(Pubbakotthaka sutta, Tương Ưng Kinh)
CHÁNH NIỆM - MỘT CÁCH HIỂU ĐƠN GIẢN

Chánh niệm là một từ được sử dụng rất phổ biến rộng rãi trong nhà Phật, đặc biệt là trong thiền, nhưng để nói một cách đơn giản về chánh niệm lại không phải là điều dễ dàng chút nào.

Chánh niệm là tập hợp của hai từ "chánh" và "niệm". "Chánh" được hiểu là chân chánh, đúng đắn và xét về tính chất nó có tính trọn vẹn. Khi đề cập đến sự trọn vẹn là trạng thái không bị hạn chế hay ngoại trừ, nó bao hàm cả cả sự chân chánh và đúng đắn; còn "niệm" là sự quan sát hay ghi nhận, nó có đặc tính hay biết.

Như vậy, chánh niệm là sự quan sát một cách trọn vẹn đối tượng và đó cũng chính là sự quan sát đúng đắn. Đối tượng ở đây là đối tượng thực có, không phải là đối tượng thông thường. Có hai loại đối tượng: đối tượng thực có (paramattha) và đối tượng do tâm tạo hay còn gọi là các khái niệm (paññatti).

Trong đời sống, chỉ khi nào thực sự yêu thích một cái gì đó người ta mới có một sự để ý, quan tâm chu đáo. Lúc này, chúng ta muốn biết một cách chi tiết và cụ thể về đối tượng, tìm hiểu mọi góc cạnh, mọi mối quan hệ có liên quan. Tiến hơn nữa, người ta sẽ tìm hiểu rõ mọi đặc tính, thói quen, sở thích ... của đối tượng. Đối tượng đó có thể là con người, thú cưng, cỏ cây hoa lá và có thể là bất kỳ cái gì mà người ta thực sự yêu thích. Có thể nói, những lúc như vậy người ta có một sự để ý, chú tâm toàn bộ.

Năng lượng quan sát này là trọn vẹn. Giống như khi người ta phải ở trong một căn phòng cùng với con rắn. Mọi cử động phải hết sức để ý, ngay cả những tiếng động sơ ý tạo ra, người ta luôn ở trạng thái tỉnh táo hay biết. Sự quan sát ghi nhận trong trường hợp như vậy là toàn bộ và trọn vẹn.

Trong kinh điển cũng có ví dụ về một người tử tù theo lệnh của nhà vua phải đội một bát đầy dầu và đi qua một đám đông đang háo hức xem các cô vũ nữ xinh đẹp biểu diễn. Nếu người tử tù làm rớt dầu trong khi đi qua đám đông sẽ ngay lập tức bị chém đầu. Trong hoàn cảnh như vậy, cho dù các cô vũ nữ có xinh đẹp và biểu diễn hay đến đâu, anh này cũng không dám một giây phút bất cẩn lơ là để ý bên ngoài, anh ta phải luôn cẩn thận canh chừng đảm bảo từng bước đi vững chãi và bát dầu không bị sóng sánh đổ ra ngoài. Sự quan sát chú tâm của người tử tù là hoàn toàn trọn vẹn.

Với một sự quan sát ghi nhận trọn vẹn, người ta không còn có so sánh để xem nó cao hay thấp, nông hay sâu, vô hạn hay hữu hạn. Làm sao có thể biết những phẩm chất này nếu không có sự so sánh. Khi cảm thấy mình nhỏ nhen là chúng ta đang có sự so sánh. Khi đói, chúng ta không so sánh cái đói lúc này với cái đói hôm qua. Cái đói hôm qua chỉ tồn tại trong ý niệm.

Một khi quan sát trọn vẹn, người ta không còn so sánh, đánh giá, chấp nhận hay phản đối, lựa chọn hay loại trừ. Hội tụ của tất cả các phẩm chất đó để nói lên đặc tính của sự trọn vẹn, là tố chất không thể thiếu của chánh niệm. Đó cũng chính là một sự quan sát không lựa chọn, không xung đột, phi thời gian.
TỰ NHIÊN THÌ KHÔNG CỐ GẮNG

Khi cảm nhận thiên nhiên xung quanh, người ta không cần phải cố gắng.  Mọi cố gắng là không cần thiết. Với bối cảnh nào đó, vào thời khắc nhất định, bỗng nhiên có sự cảm nhận khác biệt. Nó hoàn toàn tự nhiên, không thể tạo ra được.

Tự nhiên giống như một người buồn ngủ là ngủ, nhưng khi không buồn ngủ người ta không thể cố gắng ngủ. Cố gắng ngủ chỉ làm chúng ta trằn trọc thêm.

Những gì tự nhiên thì không cần cố gắng. Chúng ta luôn có một thói quen cố hữu là làm gì cũng phải cố gắng, cố gắng làm, cố gắng đạt được. Không phải cái gì cũng có được bằng cách cố gắng.

Khi tham có mặt, không thể cố gắng để trở thành "vô tham". Tham là một thực tế đang có trong hiện tại, vô tham là cái không có mà chúng ta mong muốn nó trở thành có. Cố gắng trở thành cái gì đó thì bản ngã sẽ được củng cố, nó luôn là cạm bẫy.

Ghi nhận đúng cái đang có mà không có sự tham dự, không cố gắng trở thành thì tự nó sẽ tan biến. Tham có mặt, không khó chịu, không xua đuổi, không đánh giá, không cố kìm nén, nó sẽ đi qua. Khi tham không còn thì đó là trạng thái vô tham tự nhiên, người ta không thể cố gắng tạo ra nó.

Đức Phật dạy trong Kinh Tứ Niệm Xứ rằng: "Khi tâm có tham, biết là tâm có tham; khi tâm không tham, biết là tâm không tham. Khi tâm có sân, biết là tâm có sân; khi tâm không sân, biết là tâm không sân. Khi tâm có si, biết là tâm có si; khi tâm không si, biết là tâm không si."

Có câu chuyện: Một lũ nhỏ chơi đá banh trong sân chùa, gần đó có am thất nhỏ với các cửa sổ bằng kính của một nhà sư già sống đã lâu trong chùa. Khi đang mải mê chơi thì bất ngờ trái banh lao thẳng vào cửa sổ làm tấm kính vỡ vụn. Nhà sư vụt bước ra cửa la lối lũ nhỏ. Bỗng nhiên, ông khựng lại và tự cằn nhằn mình: "Có chuyện nhỏ thế mà cũng sân. Tu tập tâm từ bao lâu nay của ta thành ra công cốc!"

Hay biết những gì xảy ra mà không tham dự, không nắm giữ, không xua đuổi, không phê bình, không đánh giá, không nhận xét, đó cũng chính là cố gắng. Những cố gắng nào thúc đẩy bởi mong cầu, mục đích, muốn trở thành, nó sẽ luôn củng cố bản ngã. Vậy nên, nhiều lúc người ta nhìn lại tự hỏi: "Tại sao càng tu lâu mà bản ngã lại càng lớn?"
KHÁC BIỆT VÀ TÔN TRỌNG

Trong thế giới này không có bất kỳ cái gì hoàn toàn giống nhau, như nhà triết học cổ đại Heraclitus đã nói: "không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông". Mọi sự vật có thể cùng những điểm chung nhưng không nhất định phải giống nhau. Một cách cơ bản, các sự vật, hiện tượng cùng nhau tồn tại với những dị biệt mà không tạo nên xung đột. Tự nhiên là một tổng thể đa dạng hoàn chỉnh.

Bản thân chúng ta với nền tảng giáo dục, văn hóa, xã hội, tư tưởng, tín ngưỡng cũng không đồng nhất. Tất cả vẫn có thể hòa nhập hài hòa trên nền tảng của sự tôn trọng. Khả năng tôn trọng và hòa nhập đó là một sức mạnh vô hình, ẩn chứa trong đó sự hiểu biết nhân văn.

Nếu cứ buộc phải giống nhau rập khuôn về văn hóa hay tín ngưỡng sẽ tạo thành sự áp đặt và thiếu vắng đi sự tôn trọng lẫn nhau. Ở mức độ cảnh giới hài hòa cao nhất, người ta không còn bị phân chia bởi niềm tin tín ngưỡng, vì đi với niềm tin đơn giản chưa phải là chân lý. Sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ được lan tỏa khi không còn dấu ấn của xung đột tín ngưỡng, văn hóa và có sự tôn trọng lẫn nhau không mang tính phân biệt.

Mức độ cơ bản, người ta thường nắm giữ vào niềm tin của mình, cho rằng chỉ có sự lựa chọn của bản thân là đúng, là chân chánh, ngoài sự lựa chọn này sẽ là sai lầm hay thậm chí được gán mác "tà đạo" hay bất ngôn từ nào có thể. Bao giờ cũng thế, lũ nhỏ luôn tin rằng cha mẹ mình là số một, nhưng cũng là một điều đáng yêu nhất là với lũ nhỏ.

Một trong những dấu hiệu của sự trưởng thành là khả năng chấp nhận những dị biệt, bất đồng mà vẫn thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu thiếu đi sự tôn trọng, người ta sẽ có xu hướng áp đặt hoặc ép người khác phải theo quan điểm của mình.

Một điều cũng dễ hiểu là "không phải số đông luôn luôn đúng", nhưng tâm lý bầy đàn đã ăn sâu từ trong gốc rễ theo kiểu "xưa vậy nay cũng vậy" đã tạo nên sự dẫn dắt mà không thấy được nguyên lý của trật tự tự nhiên.

Trong bài Kinh Canki (Trung Bộ Kinh), Đức Phật khẳng định rằng người nào chỉ căn cứ theo niềm tin mà đi đến khẳng định một chiều rằng: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm" thì có thể một trong hai kết quả xảy ra: Điều mình đặt niềm tin lại là hư vọng, giả dối, không thật; Điều mình không tin lại là chân thật, không thay đổi.

Khi biết cách chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác cũng có nghĩa là tôn trọng bản thân mình. Ngay trong mỗi chúng ta cũng luôn có những sự mâu thuẫn và khác biệt. Con người và nhận thức của ngày hôm nay khác ngày hôm qua, nhưng tựu chung lại vẫn trong con người hình hài đó. Nếu không chấp nhận những khác biệt và thay đổi cũng chẳng khác gì không chấp nhận bản thân mình.

Không hoàn toàn áp đặt để chấp nhận hay phủ nhận sẽ là nền tảng của sự trưởng thành, biết bao dung, độ lượng, vị tha. Tiến trình của một dòng chảy không bị ngưng đọng - bỏ lại để chuyển hóa và ra đi.
ẢO TƯỞNG VÀ CHÂN THẬT

Ảo tưởng là sự nhận thức của con người về đối tượng hay hiện tượng một cách méo mó, sai lệch hay tưởng tượng một vấn đề nào đó không có trong thực tế. Nếu chỉ là câu chuyện "nhìn gà hóa cuốc" thì không có gì đáng nói. Thực tế lại không phải như vậy, nó rất vi tế và khó nhận biết.

Có một thuật ngữ trong Phật giáo được sử dụng trong trường hợp này đó là "điên đảo" (vipallāsa) - tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo. Khi nào hết điên đảo cũng có nghĩa là thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Trong cuộc sống, người ta lại càng có xu hướng ảo tưởng vì bản thân luôn được lấy làm cốt lõi, mọi hoạt động sống luôn xoay quanh giá trị cốt lõi này. Giá trị này bao gồm bản thân và những gì liên quan hay thuộc về bản thân. Có thể liệt kê ra vô vàn thứ, từ sáng đến tối vẫn không hết. Và đây cũng chính là cội nguồn của mọi rắc rối.

Bất cứ những gì từ bên ngoài có khả năng xâm phạm vào giá trị cốt lõi này, ngay lập tức các hàng rào, tường chắn được dựng lên để cách ly và bảo vệ đối tượng. Khi rào chắn được dựng lập, tâm thức sẽ dần co lại, nếu tiếp tục bị uy hiếp thì nó sẽ chui sâu vào trong vỏ bọc. Và đó là lý do tại sao người ta rất hay phản ứng và nhiều khi cảm thấy lạc lõng.

Một cách thông thường, dường như bản thân cũng cần một sự êm ái, ve vuốt - không hình thức này thì hình thức khác, dù là thô hay tinh tế. Nếu không cảm nhận được những thức ăn này, có vẻ như người ta không có cảm giác tồn tại.

Phải cần có sự hiểu biết và hết sức chân thật với chính bản thân để có thể bóc tách các lớp tâm thức này. Không phải là một điều dễ dàng và dễ chịu chút nào. Cảm giác nhiều khi như xát muối lên vết thương vậy, nhưng có điều vết thương sẽ mau lành hơn.

Bản thân sự chân thật là một sức mạnh, không có chân thật thì cũng chẳng có hiểu biết nào cả. Nhờ sự chân thật sẽ thấy được những gì là đúng là đúng và sai là sai, không có ảo tưởng, mơ màng, tưởng tượng.

Tại sao lại rất cần một sự chân thật? vì bản chất của tâm giống như nước chảy chỗ trũng, chảy xuôi theo hướng bất thiện. Tâm tạo ra sự tưởng tượng có tính lừa dối và làm người ta tin vào đó như thật: "Thật sự trong một thời gian dài, ta bị tâm này lường gạt, lừa dối, phỉnh gạt" (Māgandhiya Sutta, M. 75). Và từ đó, nó đã tạo nên những ảo tưởng, chấp thủ và vô vàn hệ lụy.

Trong cuộc sống là vậy và trong sự quan sát Tứ Niệm Xứ, tính chân thật lại càng cần hơn bao giờ hết. Nó loại ra những gì là giả, không thật, những gì là lắt léo, không ngay thẳng để hướng tới một sự chính trực - là điều kiện, nền tảng cho sự hiểu biết sinh khởi.
HÀNH ĐỘNG

Khi tâm thức bị chia chẻ, làm sao người ta có thể tiếp cận cái toàn bộ, mà chỉ có thể tiếp cận theo cách "chia chẻ". Và nếu ấn định cách này là đúng đắn và hợp lý, người ta sẽ hành động theo kết quả hay mục tiêu nào đó. Mục tiêu đặt ra luôn được gắn với một nhãn mác: "là tốt đẹp, vì cái này vì cái kia, lợi ích cho số đông". Nếu hành động theo hướng vạch ra có được tiến bộ và kết quả mong muốn, niềm tin dựa trên ý tưởng sẽ được củng cố. Trường hợp ngược lại, tâm thức sẽ phản ứng với sự thất vọng, mất niềm tin, rơi vào trạng thái đắn đo, mông lung.

Hành động theo một ý tưởng không đóng vai trò quá quan trọng. Vấn đề là khi có sự hiểu biết toàn bộ thì từ đó sẽ khởi phát hành động tổng thể với trạng thái tâm thức hợp nhất. Lúc này việc hành động hay không hành động cũng không còn quan trọng hay mang tính bắt buộc lựa chọn. Nhiều trường hợp, không hành động lại là sự khôn ngoan, và chính việc "không hành động" tự nó đã là một hành động.

Wednesday, May 20, 2020

CỨ TƯỞNG

Một thực tế là không có cái gì tuyệt đối. Khoác cho sự vật, hiện tượng cái mác nào đó thì đã có gì sai lệch, không ổn . Tự thân nó vẫn vậy, nhưng người ta đã bị ảo tưởng.

Nhiều khi làn ranh của sự phân tách rạch ròi rất mỏng manh giống như "Hôm qua là kẻ trộm, hôm nay đã là ông thánh". Mọi chuyện đều có thể nằm ngoài những suy luận, diễn giải thông thường mà người ta luôn tự ban cho mình quyền phán xét.

Có câu chuyện, một anh ăn trộm rất ngưỡng mộ đạo hạnh của một vị đạo sư và quyết tâm xin làm đệ tử, học đạo với ngài. Anh ăn trộm chỉ yêu cầu một điều vẫn được tiếp tục nghề cũ của mình vì đó là kế sinh nhai. Một lý do khác là trước đây tầm sư học đạo, vị thầy nào cũng đưa ra điều kiện tiên quyết buộc phải bỏ nghề, làm anh rất chán nản.

Vị đạo sư cười và nói: "Con cứ tiếp tục nghề của mình, ta không quan tâm điều đó lắm." Nghe vậy anh ăn trộm mừng rơn: "Vậy từ nay, con là đệ tử của ngài, ngài là sư phụ của con."

Vị đạo sư chấp nhận và ra điều kiện: "Con có thể làm bất cứ điều gì con muốn, nhưng với một điều kiện: phải chánh niệm! Khi con lẻn vào nhà, lấy đồ hay làm bất cứ điều gì ta không quan tâm vì ta không phải là kẻ trộm, nhưng làm gì cũng phải luôn có chánh niệm."

Anh ăn trộm không biết rằng đây là một cái bẫy nên rất vui vẻ chấp nhận. Ba tuần sau đó, anh ta quay lại và nói: "Con không tài nào làm được, khi có chánh niệm thì con không thể ăn trộm. Còn nếu con ăn trộm thì chánh niệm biến mất."

Vị đạo sư nói: "Đừng nói nhiều về điều đó. Ta không phải là kẻ ăn trộm, ta không quan tâm. Bây giờ con tự quyết định. Nếu muốn chánh niệm thì con quyết định, còn nếu không muốn chánh niệm thì tự con cũng quyết định."

Anh ta nói: "Thật là một điều khó khăn. Con đã nếm được một chút hương vị, nó thật tuyệt vời! Thưa thầy, vào đêm đầu tiên khi lẻn vào trong cung điện, con đã mở được hòm đựng châu báu. Con đã có thể trở thành người giàu nhất thế gian này, nhưng hình bóng của thầy đã theo con và buộc con phải nhớ chánh niệm.

Khi có chánh niệm, con thấy kim cương, hột xoàn chỉ như những viên đá cuội. Khi không có chánh niệm, kim cương, hột xoàn lại như cũ. Con đã thử đi thử lại nhiều lần nhưng vẫn xảy ra như vậy. Do duy trì chánh niệm con đã ngộ ra những điều ảo tưởng trước đây. Và rồi con không buồn chạm tay vào những thứ đó, chúng chỉ còn là những viên đá cuội vô nghĩa. Từ nay con sẽ bỏ lại tất cả để theo thầy."

Thế nên mọi chuyện không phải lúc nào cũng "cứ tưởng" như lũ trẻ thường nghêu ngao: "Đừng tưởng cứ dưới là ngu, cứ trên là sáng, cứ tu là hiền."
DÍNH MẮC VÀO CHÁNH NIỆM?

Người ta hay nói một cách dễ dãi là "dính mắc vào chánh niệm" và không hiểu sao nó lại được chấp nhận một cách nghiễm nhiên.

Giống ngày xưa có đứa bé bị mẹ dọa: "con không nín là mẹ vứt ra ngoài cửa cho ông Ba Bị bắt đi bây giờ", vậy là thằng bé nghiễm nhiên tin và im thin thít. Lớn lên thằng bé mới hiểu rằng chẳng có ông Ba Bị nào cả, mà nếu có thì cũng là ông già dễ thương chẳng bao giờ bắt trẻ con. Vậy nên trước khi trưởng thành, dường như ai trong chúng ta cũng là cừu cả.

Bản chất của chánh niệm và sự dính mắc là hai thực tánh hoàn toàn khác nhau, giống như dầu và nước. Dù hòa trộn theo kiểu gì, dầu vẫn là dầu, nước vẫn là nước, nước không thể hòa quyện, trộn lẫn được với dầu. Sự hòa quyện chỉ có thể xảy ra giữa nước và sữa, không còn nhận ra đâu là nước và đâu là sữa.

Như vậy, nói rằng "dính mắc vào chánh niệm" thì sự kiện này không bao giờ xảy ra. Giống như nói rằng một người có thể đắc đạo ngoài Minh và Hạnh, đây là sự kiện không bao giờ xảy ra.

Khi một người có chánh niệm họ không dính mắc vào bất kỳ thứ gì trên đời, còn khi họ dính mắc cũng đồng nghĩa là không có chánh niệm. Chúng ta không thể đánh tráo được bản chất, khái niệm.

Khi một người nghĩ rằng: "Tôi đang chánh niệm", thực tế người đó không còn một chút gì được gọi là "có chánh niệm" vì ý niệm "Tôi" đã hiện hữu. Đối tượng của chánh niệm không phải là "chúng sinh, đàn ông, đàn bà, tôi hay người khác" thì làm sao dính mắc có thể sinh khởi. Sự dính mắc chỉ có khi các khái niệm xen vào, có cái gọi là "chúng sinh, đàn ông, đàn bà, tôi hay người khác". Ngoài ra, tất cả các pháp thực tánh, bất kỳ pháp nào bao gồm cả chánh niệm, định, tuệ ... đều có chung bản chất vô thường, không thể nắm giữ thì còn đâu để dính mắc?

Một điều cần ghi nhớ rằng đối tượng của dính mắc chỉ có khi khái niệm hình thành. Nếu các khái niệm, ý niệm không còn thì ngay cả trong trí tưởng tượng phong phú nhất sự dính mắc cũng không tồn tại.

Nếu hiểu đúng đối tượng, mọi vấn đề đã được giải quyết và người ta cũng chẳng còn ý niệm "dính mắc vào chánh niệm", người khổng lồ không thể đánh nhau với cối xay gió. Nếu không, người ta sẽ vật vã với ảo tưởng rằng "mình có chánh niệm" và có cái gọi là "dính mắc vào chánh niệm."

THỰC TẠI VÀ SO SÁNH Nhận biết thực tại đang xảy ra có nghĩa là khám phá trong từng khoảnh khắc toàn bộ mọi trải nghiệm. Ngoài cái đó ra kh...