Saturday, July 4, 2020

CƠN GIẬN

Trong khi quan sát, việc khó khăn dường như là người ta luôn có sự ấn định cho những gì đang xảy ra. Nếu sự giận dữ được ấn định hay gán với một tính cách không tốt, đáng chê trách, không nên có thì việc tìm hiểu bản chất của giận dữ, sân hận sẽ gần như không thể có được.

Thực tế, cơn giận là một trạng thái cảm xúc bình thường ai cũng có, thậm chí trong một số trường hợp nó còn được coi là khá lành mạnh. Nhưng có một số người dễ trở nên tức giận hơn so với những người khác. Sự nóng nảy của họ mang tính bốc đồng do quá đề cao hay quá yêu quý bản thân. Có thể nói rằng khả năng chịu đựng của họ đối với sự thất vọng là khá thấp. Họ không có khả năng uyển chuyển, dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh - đặc biệt là đối với nghịch cảnh. Sở dĩ như vậy một phần là do yếu tố di truyền và phần khác là do ảnh hưởng của gia đình và xã hội. Dù là bất kỳ nguyên nhân nào thì mọi thứ đều có khả năng hóa giải, không có nhân tố nào mang tính cố định và chốt chặt.

Giận dữ là biểu hiện của sự phản ứng.

Cơn giận sẽ được gọi là chính đáng khi người ta thấy người thân bị bắt nạt, chèn ép, họ muốn đứng lên bảo vệ. Cũng như vậy, khi bảo vệ một lý tưởng, niềm tin, biểu tượng mà người ta đang nắm giữ thì đều được coi là đúng đắn và chính đáng. Nhưng chừng nào còn phân biệt sự giận dữ chính đáng và giận dữ vô lối thì người ta vẫn không thể tiếp cận bản chất của cơn giận.

Có cơn giận bùng phát bất chợt và xẹp xuống rất nhanh, theo kiểu “lúc nắng lúc mưa”. Nhưng cũng có cơn giận được tích tụ dần với thời gian theo kiểu đun liu riu âm ỉ, mặc dù bên ngoài lúc nào cũng bằng mặt nhưng không bằng lòng. Có cơn giận chỉ đơn thuần là do “đụng thúng, đá niêu”, như vấp phải hòn đá làm quá đau chân nên nổi đóa. Nhưng cơn giận có yếu tố tâm lý đằng sau thì thường vi tế và khó khăn hơn khi phải đương đầu với nó. Dù thế nào đi nữa, khi nổi đóa người ta sẽ tìm được lý do phù hợp cho nó.

Sắc thái của cơn giận rất đa dạng, có thể là thất vọng, buồn chán, oán giận, trách móc, cay đắng, hờn dỗi, ganh tị ... Khi có những trạng thái này, tâm trí luôn có hình ảnh của bản thân là trung tâm đi kèm theo đó là những giải thích, diễn giải được bộc phát ra bằng lời hoặc âm thầm trong đầu. Trong thời điểm này nếu dùng ý chí để trấn áp cơn giận thì nó không thể nào đi qua một cách tự nhiên. Cơn giận có thể tạm thời dịu xuống nhưng vẫn âm ỉ cháy bên trong hoặc có thể chuyển sang một sắc thái khác. Tuy nhiên, về bản chất nó vẫn là sự phản ứng đối với hiện tượng xảy ra.

Tại sao người ta lại giận dữ? Có phải là muốn dùng sự tức giận để biểu hiện chính mình hay muốn làm tăng tầm quan trọng của bản thân? Hay người ta muốn dùng cơn giận làm công cụ để đạt mục đích nào đó?

Hay có phải là do cảm thấy bị tổn thương, cảm thấy bức xúc khi có người đối xử một cách không tử tế với mình hoặc với người thân của mình? Nếu không có lưu giữ trong tâm thức thì có tổn thương xảy ra hay không? Liệu có ai làm người ta tổn thương hay tự mình làm tổn thương mình bằng những suy diễn, diễn giải?

Nếu không có phàn nàn, trách móc, so sánh, diễn giải với bất kỳ lời nói hay hành động nào thì người ta sẽ quan sát trực tiếp và khách quan hiện tượng đang xảy ra, thậm chí cũng chẳng còn việc đặt tên hay gán nhãn cho nó là cơn sân.

THỰC TẠI VÀ SO SÁNH Nhận biết thực tại đang xảy ra có nghĩa là khám phá trong từng khoảnh khắc toàn bộ mọi trải nghiệm. Ngoài cái đó ra kh...